Multimedia Đọc Báo in

Chàng thanh niên mê hát then, đàn tính

07:54, 02/09/2016

Sinh ra ở mảnh đất Cao Bằng, quê hương của những điệu then ngọt ngào, hằng ngày được nghe nhiều làn điệu then từ các nghệ nhân ở quê nhà, chàng thanh niên Nông Văn Tân đã say mê điệu hát truyền thống của dân tộc mình từ khi còn rất nhỏ.

Lớn lên, vào lập nghiệp tại xã Dliê Ya (huyện Krông Năng), thấy bà con trong thôn đa số là người Tày, Nùng nhưng âm nhạc dân tộc ở đây đang có nguy cơ mai một, trong lòng anh Tân  đã dấy niềm thôi thúc cần phải làm việc gì đó để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tháng 9-2015, anh Tân cùng người anh họ của mình là Nông Văn Phúc vận động bà con thôn Ea Kanh, xã Dliê Ya thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát then để mọi người có thể giao lưu, học hỏi và lưu giữ làn điệu then truyền thống. Hiện tại anh Tân đang là Phó Bí thư Đoàn xã kiêm Chủ nhiệm CLB hát then. Từng tham gia một lớp học âm nhạc ở TP. Buôn Ma Thuột và có chút kiến thức về âm nhạc dân tộc nên anh còn đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy cách đánh đàn tính, hát then cho các thành viên trong CLB. Hiện nay, CLB hát then xã Dliê Ya có 17 thành viên từ 18-65 tuổi, sinh hoạt đều đặn vào tối thứ 3 và thứ 7 hằng tuần. Ngoài việc tự tập luyện đàn tính, hát then với nhau, vào thứ 7 cuối mỗi tháng, CLB còn tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các thành viên với nhau hoặc với các CLB khác. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã giao lưu với các đội văn nghệ đàn tính, hát then ở xã Ea Tân (huyện Krông Năng), huyện Krông Pắc, tham gia biểu diễn tại nhiều hội thi và lễ hội trong huyện. Anh Tân và anh Phúc còn thường xuyên sưu tầm, tìm kiếm các điệu hát then cổ của dân tộc.

Anh Tân và vợ đang biểu diễn bằng cây đàn tính do chính mình chế tác.
Anh Tân và vợ đang biểu diễn bằng cây đàn tính do chính mình chế tác.

Anh Tân còn có năng khiếu chế tác đàn tính. Một cây đàn tính có cấu tạo gồm cần đàn, bầu đàn, mặt đàn, thủ đàn và dây đàn. Trước đây, khi chưa trồng được bầu nậm (giống bầu tròn) thì anh dùng gỗ cây gạo để làm bầu đàn. Hai năm trở lại đây, anh tự tay trồng bầu để làm đàn. Quả bầu để làm đàn thường là quả bầu già, đường kính từ 40-60 cm, phơi khô ngâm vào nước vôi để săn lại sau đó cất vài tháng cho khô hẳn rồi mới dùng được. Trên quả bầu đó sẽ có các lỗ khoét âm thanh, theo đó âm thanh đàn hay dở tùy thuộc vào số lỗ và khoảng cách số lỗ được đục trên quả bầu một cách chính xác. Cần đàn có chiều dài khoảng 110 cm thường dùng gỗ dổi hoặc gỗ cây lồng mức, gỗ phải để thật khô và thẳng nếu không dễ bị cong và nứt nẻ, khi đẽo phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ, nhất là khi đẽo thủ đàn hình lưỡi liềm hoặc con chim; mặt đàn làm bằng một tấm ván gỗ gạo mỏng và 3 sợi cước thường dùng câu cá làm dây đàn.Thông thường, để làm một cây đàn hoàn chỉnh, anh Tân  phải mất gần 3 ngày. Năm 2012, anh bắt đầu chế tác những cây đàn tính đầu tiên, đến nay anh đã làm được gần 40 cây đàn. Đàn của anh được nhiều người dân trong huyện và các huyện khác như Ea H’leo, Krông Pắc đặt mua. Anh Tân bộc bạch: “Mỗi khi làm xong một cây đàn, mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Mình mong muốn nó có thể đến được với những người biết chơi đàn tính trong toàn tỉnh để những tiếng đàn, điệu hát then có thể ngân vang mãi, để những giá trị bản sắc của dân tộc mình sẽ luôn được lưu truyền”.        

Nguyễn Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.