Multimedia Đọc Báo in

Cua đồng một thuở

14:39, 11/09/2016

Tôi thích cái tình chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau ở chốn thôn quê. Ở đó mọi người đối xử với nhau chân thành, cởi mở, cái gì cũng có thể đem cho hay vay mượn, không tính toán, đếm đong.

Đó là quả bưởi, chùm nhãn lồng, ấm trà ướp hoa nhài tinh sớm hoặc muỗng bột ngọt, mấy lon gạo và cả vài ôm rơm lót cho heo nằm lúc chập tối, tất cả đều được sẻ chia một cách vô tư. Tôi còn ấn tượng với những ngày hè nắng gắt, nắng hầm hầm, nắng khô khốc mà lũ trẻ con vẫn cứ được thể giang dãi ngoài ruộng mương, đồng bãi để tìm kiếm lũ cá đồng đang ngọ nguậy dưới lớp bùn non. Mùa hạn cũng là thời điểm “chính vụ” của những ngày hè lấm lem đi bắt cua đồng dạo trước.

Khoảng cách lối ruộng này sang lối ruộng khác thường có những cái mương nước nhỏ hẹp. Bắt cua đồng thì dễ hơn bắt cá nhiều nhưng có khéo léo và kinh nghiệm vẫn hơn là tự thân mò mẫm, được chăng hay chớ. Cua đồng ngày hè ít trú ngụ trong hang. Điều này có thể kiểm chứng bằng lời thơ chững chạc và chín chắn của thần đồng thơ ca Trần Đăng Khoa khi mới 11 tuổi: “Những trưa tháng sáu/Nước như ai nấu/Chết cả cá cờ/Cua ngoi lên bờ/Mẹ em xuống cấy...”. Thế là chúng tôi chỉ việc chặn một đầu mương lại, rồi đặt chiếc lờ ở cuối mương đã được lấp kín chung quanh bằng đất nhảo rồi cứ thế dùng cây cỏ lùa xuôi theo mương nước là cua tự khắc lồm cồm bò vào trong lờ theo dòng nước nóng hổi và ít ỏi còn lại.

                   Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Như thế tạm gọi là khéo léo nhưng số cua bắt được sẽ không bằng cái gọi là kinh nghiệm. Ở các thửa ruộng mà sáng sớm người lớn cho trâu bừa đất bằng phẳng để chuẩn bị gieo cấy, lũ cua đồng khi ấy sẽ không còn chỗ nương náu, phải di chuyển đến những mô đất hai bên bờ ruộng để ẩn thân. Chớp lấy thời cơ, chúng tôi sẽ chọn thời điểm chính ngọ để ra đồng, cứ thế hớn hở nhặt những chú cua đang còn trần trụi phơi mình dưới cái nắng bỏng rát cho vào oi từ mẻ này đến mẻ khác. Ai đã từng bắt cua đồng sẽ không thể nào quên cảm giác bị càng cua kẹp đến đứt da, chảy máu. Có hề gì đâu, nỗi đau dễ chịu ấy sẽ chóng trở thành dấu ấn êm ái nhanh thôi!

Cua chúng tôi mang về được mẹ cho lội qua nước sạch nhiều lần để rũ sạch rêu rong bám quanh mai cua. Tiếp đến mẹ bóc mai, lột yếm rồi cho vào cối gỗ giã nhuyễn. Cua sau khi được giã sơ qua sẽ được mẹ sàng lọc qua nước, rồi tiếp tục giã thêm hai lần nữa đến khi nào lọc mà nước cua không bị lẫn bởi bã cua nữa. Gạch trong cua được mẹ dùng que tăm tre cật tỉ mẫn khêu ra trộn thêm hành với gia vị phi lên. Nước cua khi nấu sôi, gạch cua sẽ từ từ nổi lên kín mặt nồi, khi ấy mẹ chỉ việc bốc từng nắm rau tập tàng bỏ vào nồi, nhấn chìm rau, đảo nhẹ, sao cho gạch và rau quyện vào nhau đượm thấm và bốc mùi thơm lựng. Gạch cua được sơ chế trước đó mẹ sẽ múc trải đều một lớp trên bề mặt tô canh, nước canh tự khắc dậy màu vàng rộm, chưa cảm nếm mà đã nghe mùi mẫn cả mọi giác quan.

Bát canh cua đồng ngày đó là quà quê ngọt mát, là tình quê êm dịu, là hồn quê tha thiết, là chân quê mộc mạc của lòng người, của ngày hè oi ả, của một thời tuổi thơ ở chốn quê nhà với bao kỷ niệm thân thương không thể nào quên.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.