Multimedia Đọc Báo in

Nhớ nồi cơm gạo mới

08:04, 04/09/2016

Mùa gặt đến, những thân lúa chín vàng ươm trĩu hạt hai bên đường mòn. Đường vào làng mùa này đẹp như một bức tranh vẽ, dạt dào bao sức sống. Và đi vào làng, tôi cứ ngỡ như đi vào một thiên đường sắc màu, với bao sự bình yên.

Đó là màu vàng của lúa chín, màu xanh mơn mởn của đám cỏ non, và bụi tre làng cứ nghiêng mình trong gió hát, hay đâu đó chấp chới trong gió từng cánh cò trắng đang bay lả lướt. Đẹp nhất vẫn là cánh đồng lúa, như những chiếc thảm vàng trải dài đến vô tận.

Không khí ngày mùa hiện hữu ngay trên con đường đi vào làng. Rơm vàng phủ kín các con ngõ nhỏ, mùi lúa chín, mùi rơm rạ cứ quấn quýt nhau, từng xe lúa nối đuôi nhau chở lúa về làng. Và dáng mẹ cứ tất tả trong chiếc nón lá, mồ hôi nhễ nhại, chiếc áo vẫn dính đầy bùn đất. Nhìn đống lúa cao vun vắn trước sân, mẹ như hạnh phúc hơn, bởi năm nay lúa được mùa hơn so với năm ngoái. Và lũ trẻ chúng tôi vui nhất là được quay quần bên mâm cơm gạo mới, mà mẹ chuẩn bị vào mỗi mùa thu hoạch để cúng kính trời đất, tổ tiên.

Niềm vui, sự thiêng liêng lan tỏa bên mâm cơm gạo mới trong mỗi gia đình nhỏ ở làng, đó là một nét đẹp văn hóa tồn tại từ bao đời nay. Để nhớ về quê nhà, người ta có nhiều nỗi nhớ từ dòng sông, gốc đa, con đường làng quanh co, những chiếc mương xinh xắn dẫn nước ra ruộng, hay cánh chuồn chuồn chấp chới bên hàng rào vào mỗi trưa hè... Nhưng tôi vẫn nhớ nhất là bữa cơm gạo mới.

Năm nào cũng vậy, dù được hay mất mùa, sau mỗi mùa gặt, các gia đình ở thôn quê đều có mâm cơm cúng gạo mới. Không giống như mâm cơm đầu năm, cơm cúng gạo mới với mong muốn cảm ơn tổ tiên, cảm ơn thần Nông đã phù hộ trong suốt một vụ mùa, tránh sâu rầy, dịch bệnh, cầu mong cho năm sau có một vụ mùa bội thu hơn.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Và dưới nén nhang nghi ngút khói, mâm cơm cúng gạo mới cũng cầu mong cho mỗi gia đình đều an vui, “chân cứng đá mềm”, vượt qua được mọi vất vả của cái nghề mà cha ông để lại. Hơn nữa, tập tục cúng cơm mới là một nét đẹp văn hóa, một nghi lễ để con cháu nhớ về nguồn cội của mình, gắn với một nền văn minh lúa nước. Đồng thời điều đó cũng thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa thiên nhiên và con người ở thôn quê.

Mẹ tôi thường bảo rằng, hạt cơm là hạt ngọc trời, là kết tinh của bao mồ hôi và công sức, là “dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Vì vậy chúng tôi không được lãng phí, mà phải biết trân trọng, nâng niu từng hạt ngọc ấy. Cơm cúng xong, cũng là lúc trời nhá nhem tối, và dưới ánh trăng rằm, cả gia đình quây quần bên mâm cơm gạo mới. Cơm gạo mới có một mùi thơm đặc trưng, đó là mùi của hương đồng cỏ nội, hương tần tảo, hương đất trời... Mỗi khi ăn chén cơm gạo mới lòng tôi lại rưng rưng nhớ về tuổi thơ lam lũ, nhớ những năm tháng mất mùa. Nhưng rồi bằng sự chăm chỉ, tần tảo mẹ tôi đã nuôi chúng tôi khôn lớn.

Niềm vui như nhân đôi, đó là sau khi thưởng thức xong bữa cơm mới, sau khi gạo đã đầy om, thóc đã đầy kho, tôi theo mẹ lên đồng để đốt rơm, dọn dẹp thửa ruộng cho sạch sẽ để chuẩn bị cho mùa sau. Khói đốt đồng cứ bay theo gió lan tỏa ra các hướng, làm mắt tôi cay xè. Và sau này, dù đi đâu xa, tôi vẫn ám ảnh bởi cái hương khói đồng trong gió chiều ngày nào. Mùi khói đốt đồng, mùi cơm gạo mới cứ theo tôi mãi dù đi khắp chân trời góc bể. 

Thân Thị Thanh Trâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.