Multimedia Đọc Báo in

Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" lần thứ XII: Chắp cánh ước mơ cho những mầm non văn nghệ

16:10, 26/11/2016

Với chủ đề “Bay lên những ước mơ”, Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” lần thứ XII do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức từ ngày 7 đến 11-11 đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả và những người trong cuộc.

Tại cuộc thi dành cho khối THPT (diễn ra từ ngày 7 đến 9-11), người xem đã được “mãn nhãn” với 185 tiết mục đến từ 51 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Nhiều tiết mục xuất sắc nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các khán giả và sự đánh giá cao của Ban giám khảo. Trong đó nổi bật là các tiết mục múa với sự đầu tư công phu về trang phục, tập luyện cũng như sự thể hiện mang tính nghệ thuật cao. Đơn cử như tiết mục múa “Vũ khúc đại ngàn” của Trường THPT Krông Ana. Các em đã thể hiện được những động tác khó, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vũ đạo, âm nhạc, chủ đề, trang phục, đạo cụ để tạo nên một tiết mục khá hoàn hảo và đã được Ban giám khảo thống nhất trao giải A.

Một tiết mục tham gia tại Hội thi khối THPT.
Một tiết mục tham gia tại Hội thi khối THPT.

Bên cạnh sự nổi trội của các tiết mục múa, các tiết mục diễn tấu nhạc cụ cũng tạo nên sự hấp dẫn cho Hội thi. Ngoài nhạc cụ dân tộc, tại hội thi cũng xuất hiện nhiều cây guitar khá “chắc tay”, tự đệm đàn cho các tiết mục hát hoặc biểu diễn hòa tấu thuần thục. Ấn tượng nhất có lẽ là tiết mục hòa tấu guitar “Chiriria và H’ren lên rẫy” của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Với sự biến tấu trong cách chơi, các em đã tạo cho bản hòa tấu nét mới, thoát ra khỏi giai điệu đơn giản của dân ca Êđê bằng những giai điệu sôi động hơn, nhưng cũng không kém phần tinh tế, lắng đọng. Bản hòa tấu của 6 cây guitar Trường THPT Chuyên Nguyễn Du đã dành được nhiều thiện cảm của khán giả và xứng đáng nhận được giải B từ sự đánh giá công tâm của Ban giám khảo...

Đối với cuộc thi dành cho khối Phòng GD-ĐT, trong suốt hai ngày diễn ra hội thi (từ ngày 10 đến 11-11), khán giả đã được thưởng thức 63 tiết mục đến từ 13 đơn vị Phòng GD-ĐT. Khối thi này có nhiều thuận lợi hơn bởi có đội ngũ giáo viên dạy nhạc đông đảo của các trường tiểu học, THCS, cùng với đó là các tiết mục tham gia đã được tuyển chọn từ các cuộc thi ở cấp Phòng. Nhiều tiết mục xuất sắc nhờ xử lý sân khấu khá chuyên nghiệp, duyên dáng và đạt hiệu quả cao như tiết mục đơn ca múa phụ họa “Đảo xanh” và hát múa “Việt Nam mến yêu” của Phòng GD-ĐT Ea Kar đều đoạt giải A; hay tiết mục đơn ca “Cô giáo vùng cao” của Phòng GD-ĐT huyện Lắk (đoạt giải A)...

Mặc dù không có sự nổi bật về các tiết mục múa như ở khối trường THPT, nhưng ở thể loại này, khối Phòng GD-ĐT cũng có những tiết mục được đánh giá khá tốt. Đó là hai tiết mục múa: “Trống hội” và “Bình minh trên bản Mường em” của Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ (đều đoạt giải A); “Vũ khúc đồng dao” của Phòng GD-ĐT huyện Cư Kuin (giải A)...

Về phần nhạc cụ dân tộc, nhiều đơn vị đã có sự đầu tư tương đối công phu, dành nhiều thời gian cho luyện tập để tạo được những tiết mục nhuần nhuyễn, sinh động, mang âm hưởng dân gian truyền thống hòa quyện cùng sắc thái hiện đại; chuyển tải được nội dung giá trị văn hóa của từng dân tộc, vùng miền. Những tiết mục xuất sắc đại diện cho thể loại này có thể kể đến như:  “Hương sắc cao nguyên” của Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột (giải A); “Hòa tấu ching Kram” của Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana (giải B); hòa tấu ching Knă và đinh tuốt “Mừng mùa lúa về” của Phòng GD-ĐT huyện Krông Búk (giải B)...

Tiết mục  hòa tấu  nhạc cụ  dân tộc “Hương sắc  cao nguyên” của Phòng GD-ĐT  TP. Buôn Ma Thuột.
Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Hương sắc cao nguyên” của Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột.

Có thể nói, Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” lần thứ XII bên cạnh sự đa dạng về thể loại, cách thức thể hiện độc đáo, đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, là “hạt giống” để bồi dưỡng cho các phong trào văn hóa – văn nghệ tại địa phương, cơ sở về cả khả năng ca hát cho đến vai trò của người dàn dựng, biên tập, đạo diễn tác phẩm... Hội thi đã thực sự trở thành một sân chơi bổ ích, gần gũi, đầy hấp dẫn và là nơi dìu dắt các em học sinh đến với những ước mơ của mình.

Em Nguyễn Duy Anh, lớp 11A2, Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tham gia hội thi và cũng là người hát chính trong một tốp ca, nên em cảm thấy khá lo lắng và hồi hộp. Tuy nhiên nhờ có sự động viên của bạn bè, thầy cô cũng như sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả nên em đã vượt qua những hồi hộp ban đầu. Cuộc thi này có ý nghĩa rất lớn với em, bởi đây là cơ hội để em được giao lưu, tiếp xúc với những người có trình độ chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm từ những nhận xét, đánh giá công tâm, khách quan của Ban giám khảo...”.

Ông Thái Văn Tài, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban giám khảo Hội thi đánh giá: Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” lần thứ XII là cơ hội cho các em học sinh trong toàn ngành thi đua, thể hiện năng khiếu của mình. Ngoài việc đánh giá kết quả hoạt động phong trào văn nghệ, Hội thi còn là dịp để các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thắt chặt tình đoàn kết, tạo nên sức bật mới, sinh khí mới cho học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống, kỹ năng sống. 

 Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.