Nhạc sĩ Giáng Son: Âm nhạc Tây Nguyên đã đa chiều và giàu cung bậc hơn
Nhân dịp nữ nhạc sĩ Giáng Son cùng nhạc sĩ Nguyễn Cường vào TP. Buôn Ma Thuột giới thiệu album “Gió bay về ngàn” dành tặng đồng bào Tây Nguyên vào tháng 8-2016 vừa qua, PV Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với nữ nhạc sĩ xung quanh dòng âm nhạc rất riêng và đặc sắc: Nhạc Tây Nguyên.
Nhạc sĩ Giáng Son |
°Nhạc Tây Nguyên, một khái niệm mà công chúng yêu âm nhạc lựa chọn và định hình cho vùng đất này từ hơn một thập niên qua, chị nghĩ thế nào về điều đó?
Phải thừa nhận rằng trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam nói chung, âm nhạc Tây Nguyên có những giá trị đặc sắc, mang “gương mặt” riêng về một vùng đất và con người giàu bản sắc. Điều này đã được nhạc sĩ Nguyễn Cường khai thác và sáng tác nên nhiều ca khúc khá thành công dưới góc nhìn và cảm nhận: Tây Nguyên hào sảng, hùng tráng, bao la và mạnh mẽ. Một loạt ca khúc của Nguyễn Cường - người đã gắn bó sâu đậm với Tây Nguyên từ những năm 90 đến nay đã tạo ra chất “rock Tây Nguyên” đặc trưng và cháy bỏng. Có thể nói nhạc của Nguyễn Cường sáng tác về vùng đất này trong gần hai thập niên qua, cùng với sự thể hiện hết sức đặc biệt của các giọng ca: cố nghệ sĩ Y Moan, Siu Blăck, Y Zắk… đã trở thành hiện tượng, đủ để cho công chúng yêu âm nhạc gọi đó là “Nhạc Tây Nguyên”.
Nhưng hiểu “Nhạc Tây Nguyên” theo nghĩa rock của Nguyễn Cường thôi chưa đủ, bởi Tây Nguyên còn đằm thắm, sâu kín và thậm chí bí ẩn được thể hiện trong dòng dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số tại chỗ - và đây cũng là vốn dân nhạc để cho giới nghệ sĩ khai thác, kế thừa, sáng tạo tác phẩm làm cho âm nhạc Tây Nguyên toàn diện, đầy đủ hơn.
°Điều chị vừa nói quả rất thú vị. Cảm nhận của chị qua những sáng tác âm nhạc về vùng đất này hiện nay thế nào?
Mình cho rằng âm nhạc Tây Nguyên đã đa chiều và giàu cung bậc hơn. Thời gian gần đây, không riêng Nguyễn Cường “độc diễn” ở Tây Nguyên nữa, mà nhiều nhạc sĩ đã đến đây tìm cảm hứng và đã bị nó mê hoặc với nhiều yếu tố mới như ký ức, thân phận con người, những suy nghiệm về thời thế, cuộc đời và những mất-còn của vốn văn hóa hết sức độc đáo và đặc sắc. Mình nói như vậy không có nghĩa là trước đó không có nhạc sĩ đã chạm đến, bởi thực tế không ít nghệ sĩ người dân tộc tại chỗ như Y Phôn Ksor đã sáng tác những ca khúc sâu lắng, mang tâm hồn Tây Nguyên như “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Đôi chân trần”, hay Krajan Plin với “Kbing ơi! Em hãy về”… Sau này, những nhạc sĩ không phải là người ở đó như Trần Tiến, Lê Minh Sơn, Quốc Bảo và Giáng Son… cũng đã đến Tây Nguyên trải nghiệm và sáng tác.
Ca khúc “Mùa nhớ” của tôi, hay “Voi không đuôi” của Lê Minh Sơn viết ra trên nền blues jazz nhẹ nhàng và dìu dặt được coi là “ngã rẽ” khác với đàn anh (bậc thầy) Nguyễn Cường, giúp công chúng yêu âm nhạc Tây Nguyên thêm phong phú, đa chiều hơn.
°Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Phương Đình (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc