Người chinh phục phục thành công "Đỉnh Olympia" trong nhiếp ảnh
Ở nước ta, tước hiệu cao nhất trong nhiếp ảnh nghệ thuật là “Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc bậc vàng” (E.VAPA/Gold).
Tước hiệu này được xem như là “Đỉnh Olympia” trong nhiếp ảnh nghệ thuật mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng khao khát nhưng số người “vượt dốc” thành công không nhiều. Năm 2016, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Hương Vượng ở Đắk Lắk đã chinh phục thành công “Đỉnh Olympia” này. Đây cũng là tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc bậc vàng đầu tiên của Đắk Lắk.
Ngày 25-11-2016, sau khi nghe Hội đồng Nghệ thuật và các bộ phận giúp việc của Hội NSNA Việt Nam báo cáo thẩm định về bộ ảnh đề nghị phong tước hiệu E.VAPA/Gold và thành tựu nhiếp ảnh trong gần 20 năm qua của NSNA Nguyễn Hương Vượng, Ban Chấp hành Hội NSNA Việt Nam đã quyết định phong tước hiệu E.VAPA/Gold cho ông. Tin vui này làm nức lòng giới nhiếp ảnh nghệ thuật Đắk Lắk.
Một tác phẩm trong bộ ảnh “Chân dung các bà mẹ Tây Nguyên” của NSNA Nguyễn Hương Vượng. |
Để giành được tước hiệu E.VAPA/Gold không hề đơn giản: NSNA phải có 20 tác phẩm đoạt được huy chương đồng cấp khu vực trở lên (cấp quốc gia và quốc tế); trong đó phải có tối thiếu 3 huy chương đồng trở lên (bạc, vàng) ở cấp quốc gia, đồng thời phải có ít nhất 2 huy chương đồng trở lên (bạc, vàng) ở cấp quốc tế (do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế tặng). Bên cạnh đó, NSNA phải gửi tới Hội đồng Nghệ thuật của Hội NSNA Việt Nam một bộ ảnh gồm 15 tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và có cùng chủ đề, thể hiện rõ ý đồ nghệ thuật của tác giả để Hội đồng thẩm định, tham vấn cho Ban Chấp hành Hội NSNA Việt Nam ra quyết định phong tước hiệu. Ở nước ta hiện nay mới chỉ khoảng 10 người được phong tước hiệu này.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hương Vượng. |
Thành công này của NSNA Nguyễn Hương Vượng ngoài tài năng và sự nỗ lực phấn đấu của cá nhân ông, còn có sự “tiếp lửa” của truyền thống gia đình. Nguyễn Hương Vượng là hậu duệ đời thứ 3 của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Lan Hương (1887 - 1949), chủ tiệm ảnh đầu tiên ở Hà Nội mang tên Hương Ký (1905). Nguyễn Lan Hương cũng là nhà làm phim đầu tiên ở Việt Nam còn được lưu truyền đến ngày nay, như Đồng tiền kẽm tậu được xe ngựa (1925), Ninh lăng (1926)… Ông Nguyễn Lan Hương mất năm 1949, tiệm ảnh Hương Ký được giao lại cho con trai Nguyễn Đức Thuận kế nghiệp. Năm 1955 ông Nguyễn Đức Thuận di cư vào Sài Gòn, tiếp tục lập nghiệp bằng nhiếp ảnh và xây dựng ở Buôn Ma Thuột một tiệm ảnh mới vẫn bằng cái tên Hương Ký. NSNA Nguyễn Hương Vượng là con trai của ông Nguyễn Đức Thuận được sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Buôn Ma Thuột này. Nhờ thế từ khi còn niên thiếu NSNA Nguyễn Hương Vượng đã được rèn cặp hết sức bài bản về kỹ thuật nhiếp ảnh.
Ảnh của Nguyễn Hương Vượng thể hiện trình độ xử lý ánh sáng, tông màu rất chuẩn, bố cục chặt chẽ, chủ đề nổi bật, không rườm rà chi tiết. Bên cạnh đó, nhờ nắm bắt nhanh các phương tiện kỹ thuật mới về chụp và xử lý ảnh sau khi chụp, ảnh của ông thường rất “bắt mắt”, nhiều bức ảnh đạt đến mức “mê hoặc” người thưởng thức.
Đặng Bá Tiến
Ý kiến bạn đọc