Những mùa xuân gùi muối của nhà thơ Giang Nam
Nhà thơ Giang Nam (hiện nghỉ hưu và sống ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) năm nay đã ở tuổi 87. Mấy chục năm đã trôi qua nhưng những ký ức về những mùa xuân vật lộn với bom đạn và ăn Tết nơi chiến trường vẫn sống động trong trí nhớ của ông. Ông bảo, chính những ngày tháng gian khổ mà hào hùng ấy đã làm nên một Giang Nam đầy nhiệt huyết, sâu nặng nghĩa tình...
Những hạt muối hạnh phúc
Nhà thơ Giang Nam quê ở Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông giác ngộ cách mạng từ rất sớm, lại được anh trai là nhà cách mạng Nguyễn Lưu truyền cho bầu nhiệt huyết cách mạng nên luôn sôi sục ý chí chiến đấu và sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Hồi những năm 1940, Khánh Hòa là một trong những vựa muối lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nắm được yếu điểm này, giặc phong tỏa tất cả các đường vận chuyển muối lên chiến khu, hạt muối với Giang Nam và những chiến sĩ cách mạng ở căn cứ Đá Bàn (Khánh Hòa) quý hơn vàng. Nhà thơ Giang Nam nhớ lại: “Từ năm 1946 đến 1953, địch liên tục bao vây chiến khu Đá Bàn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Chúng chặn đường muối lên chiến khu. Thiếu muối, hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng và nhân dân không chịu nổi, có người đã sinh bệnh phù nề, không sống nổi…”.
Để có muối, cuối tháng 10 âm lịch hằng năm, Giang Nam nhận nhiệm vụ xung phong mở đường máu đi lấy muối về cho chiến khu. Nhớ mùa xuân năm 1954, dẫu thuộc diện ưu tiên không phải đi nhưng ông vẫn cùng với người yêu của mình khi đó bà Phạm Thị Chiều đi gánh muối đến phồng rộp và tứa máu hai vai. Ông kể lại: “Nhìn cảnh đồng đội của mình vì thiếu muối mà sinh bệnh tật, không đủ sức chiến đấu, lòng tôi quặn thắt. Đặc biệt là vào dịp Tết, địch thường truy càn ráo riết. Mỗi lần đi lấy muối, sợ địch phát hiện, chúng tôi rải lá dọc đường đi để không để lại dấu chân, những con đường rừng, gió quất tơi bời, có lần vừa gánh muối, vừa chạy, bom giặc quạt cho ngã chúi đầu xuống đất. Khi muối về đến căn cứ, hàng ngàn chiến sĩ ùa ra reo hò, mặt bừng sáng, mỗi người được phát một nhúm ăn ngấu nghiến ngay tại chỗ, còn một nhúm thì để dành ăn trong những ngày Tết, mỗi ngày chỉ dám ăn vài hạt thôi. Sau đó, khi các chiến sĩ đi công tác, muối được chia đếm từng hạt”. Sau này để địch không phát hiện, Giang Nam cùng các đồng đội nghĩ ra cách dùng những chiếc giỏ của đồng bào dân tộc thiểu số để đi lấy muối, ngụy trang bên ngoài bằng lá cây, đi bí mật vào ban đêm.
Nhà thơ Giang Nam (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng đội trong những năm tháng ở chiến trường. |
Từ những năm 1959 đến 1974, địch dồn tất cả quân lực để chặn đường muối vận chuyển lên chiến khu ở Khánh Hòa bởi chúng cho rằng chặn đường muối là cách tiêu diệt sức khỏe các chiến sĩ cách mạng một cách hiệu quả nhất, đỡ tốn sức nhất. Những ngày tháng gian khổ này như găm sâu trong ký ức, Giang Nam nghẹn ngào nhớ lại: “Không ít lần thấy vợ mình bị địch truy đuổi, đánh đập khi đang gánh muối nhưng vì nhiệm vụ tôi vẫn phải làm ngơ để lấy bằng được muối về cho đồng đội. Nhớ mãi mùa xuân năm 1966, hàng trăm chiến sĩ gần như kiệt sức vì thiếu muối, nhiều người phải ngắt ớt rừng ăn để cảm giác cay xua đi cảm giác thiếu muối. Lúc đó, tôi cùng ông Phan Minh Đạo (sau này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thuận Hải cũ) và một số đồng chí cải trang thành nông dân không quản ngày đêm luồn rừng hàng trăm kilômét lên căn cứ Đầm Ròn (Lâm Đồng) và một số nơi ở Tây Nguyên gùi muối mang về, có những chuyến đi kéo dài nửa tháng trời”.
Giang Nam ví von những hạt muối đó với ông mãi mãi là những hạt muối hạnh phúc. Và chính bài thơ nổi tiếng “Quê hương” cũng được ông sáng tác trong những năm tháng gian khổ ấy.
Đau đáu nghĩa tình đồng đội
Với nhà thơ Giang Nam, điều nhớ nhất và thiêng liêng nhất trong những ngày tháng gian khổ ấy là lòng trung thành với Tổ quốc và tình đồng đội. Ông bộc bạch: “Hàng triệu đồng bào, chiến sĩ bị giặc dụ dỗ và tuyệt đường muối nhưng vẫn một lòng trung thành, trong gian khổ sẵn sàng hy sinh, san sẻ cho nhau từng hạt muối, cọng rau”.
Nhà thơ nhớ mãi lần vận chuyển muối chuẩn bị Tết năm 1970. Bị địch truy càn, một chiến sĩ trong đoàn đi lấy muối bị ngã nhào xuống hố nước, muối đeo trên lưng tan dần ra nhưng vẫn quyết tâm vượt lên mang muối về cho đồng đội. Ông rưng rưng kể lại: “Tiếc vị mặn trong những hạt muối tan, đồng chí bị thương đứng vào bao nylon hứng nước muối nhỏ xuống rồi cột bao nước lại mang về chiến khu trưng cất lên lấy muối ăn. Trong bao nước muối ấy lẫn cả máu của người đồng đội bị thương. Hình ảnh ấy suốt đời tôi không quên được”.
Mỗi chuyến đi “mở đường máu” này, Giang Nam viết được hàng chục bài thơ tuyên truyền cho kháng chiến. “Có những ngày cận kề với cái chết, lại có những đêm 30 Tết, vai chúng tôi tứa máu vì gánh muối, gùi muối, đạn địch bắn ầm ào ngay trên nóc hầm nhưng ai nấy đều nguyện chiến đấu đến cùng bảo vệ Tổ quốc. Hình tượng Tổ quốc và ước vọng hòa bình được đưa ra như một sự thiêng liêng trong những đêm mùa xuân gian khổ ấy. Vô hình nhưng có sức mạnh ghê gớm lắm, không một ai nghĩ gì cho riêng mình cả”- Giang Nam bồi hồi nhớ lại.
Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, Tết năm nào cũng vậy, nhà thơ Giang Nam đều đến thăm hỏi gia đình các đồng đội đã hy sinh. Ông tâm sự: “Để có được cuộc sống hòa bình hôm nay, bao nhiêu đồng đội của tôi đã ngã xuống. Tôi chỉ mong ước đất nước mình ngày càng giàu mạnh lên, phát triển hơn để xứng đáng hơn với những hy sinh ấy”…
Hà Văn Đạo
Ý kiến bạn đọc