Multimedia Đọc Báo in

Cùng bạn đọc

18:38, 17/04/2017

Cùng bạn đọc

Trong chúng ta, ai cũng có những miền ký ức đẹp đẽ với tràn đầy những kỷ niệm yêu thương về góc phố, vườn cây, mái nhà; về ông bà, cha mẹ thân thương; về một miền quê ăm ắp kỷ niệm thuở ấu thơ... Tuy nhiên, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão; trước cuộc sống xô bồ ồn ã... chúng ta rất dễ quên đi biết bao ký ức êm đềm, kỷ niệm đẹp của một thời ấy!

Với mục đích giúp bạn đọc cùng ôn lại, cùng nhớ về một miền quê đồng bằng của những thập kỷ sáu mươi, bảy mươi, kể từ số báo này, Tòa soạn sẽ giới thiệu những trang viết của tác giả Đinh Hữu Trường về những ký ức tưởng như đã xa xưa nhằm gửi đến bạn đọc, đặc biệt là với đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi... Hy vọng qua đây bạn đọc sẽ phần nào hình dung được cái thời mà cảnh vật, con người, thời cuộc ngày ấy như hòa với nhau làm một: thanh bình và dữ dội; lặng lẽ và sôi động... Chúng tôi đặt tên cho chuyên mục này là "CÙNG CON BAY VỀ MIỀN KÝ ỨC". Hy vọng qua đây sẽ giúp cho tuổi thơ ngày nay gắn kết với tuổi thơ của cha anh ngày xưa, giúp các cháu có một cái nhìn toàn diện về thời ông bà, cha mẹ  của các cháu đã sống, chiến đấu cho những miền quê mãi tự do, thanh bình...

Đêm làng quê

Khoảng từ năm 1974 trở về trước, gần như toàn bộ vùng thôn quê miền Bắc đều chưa có điện. Khi ngày lặn thì cả làng quê chìm vào một màn đêm tối om. Đêm ở vùng quê thật thanh bình. Bên bờ tre, rặng duối rộn tiếng dế kêu; trên bờ ao, ngoài đồng xa tiếng ếch, tiếng nhái cùng hoà điệu ánh ỏi đêm hè. Dưới mặt ao bèo, trên ngọn tre, đom đóm lập loè thật vui mắt. Đấy cũng chính là những người bạn thân thiết của tuổi thơ làng quê. Tìm chỗ có tiếng dế kêu to nhất, bọn trẻ xách một ấm nhôm đầy nước rón rén đổ vào miệng lỗ. Cứ từ từ, từ từ; đến khi hết ấm nước thì hang dế cũng bị lụt, và một chú dế mập bự, đen trũi như cục than lóp ngóp bò ra, ve vẩy đôi râu ra vẻ oai vệ lắm. Bọn trẻ nhanh tay tóm lấy chú dế bỏ vào chiếc ống bơ. Từ khi ấy chỉ còn nghe tiếng đôi càng mập khoẻ với những gai răng cưa sắc nhọn của chú dế đạp rộn ràng trong chiếc ống bơ. Bắt dế chán, bọn trẻ lại ào ra bờ ao bắt đom đóm. Những chị đom đóm xách những chiếc đèn nhỏ lập lòe bay tứ phía. Không sẵn lọ thuỷ tinh như bây giờ, muốn giữ đom đóm, bọn trẻ khoét những quả cà ghém nhỏ đã vàng, loại bỏ ruột rồi bỏ đom đóm vào. Ánh sáng xanh lập loè trong những quả cà như những chiếc đèn lồng nhỏ xinh xinh theo chân lũ trẻ túa về khắp các ngõ xóm.

Thú nhất là những đêm trăng sáng được chơi đánh trận giả, chơi trò đuổi bắt ngoài sân kho hợp tác xã. Tiếng hò hét, tiếng cãi nhau về thắng thua náo nhiệt mảnh sân trăng. Có những đêm lũ trẻ được theo anh Phượng, anh Độ, anh Nhân (khi ấy cũng chỉ khoảng mười bốn mười lăm tuổi) đi bắt sâu vừng ngoài đồng. Trăng sáng xanh, gió hây hẩy mang hơi mát lẫn mùi bùn, mùi cỏ ngấu tan loãng cả không gian mờ ảo; xa xa là ánh đèn ló của người đi soi cá lúc ẩn lúc hiện. Những luống vừng vừa ra hoa, màu hoa trắng nhờ nhờ, tim tím như những chiếc cúc áo. Những chú sâu vừng nhỏ như con cánh cam, đôi cánh xanh ánh lên dưới trăng, bay xè xè bên những chùm hoa vừng. Bắt một hồi, được nửa chiếc túi vải, cả bọn quay về, vặt cánh rút đầu rồi bỏ vào nồi đất rang lên. Quây quần ngoài sân trăng, nhấm nháp những con sâu vừng rang vàng ươm, thơm nức mũi, ngậy đến tận chân răng, quả là nhớ đến tận bây giờ.

 Trong xóm, thằng Tình và thằng Trường khá thân nhau. Thằng Tình hơn thằng Trường hai tuổi, nhưng vì nhà nghèo nên đi học muộn và học cùng lớp với nhau. Nhà Tình một năm chỉ đủ gạo ăn ba tháng, còn lại chín tháng phải ăn ngô, khoai độn với rau, củ hái ngoài đồng. Vậy mà, chẳng hiểu sao Tình cứ lớn vổng, cao hơn thằng Trường đến hơn một gang tay. Buổi tối, Tình thường đến nhà Trường học bài, rồi sau đấy cùng nhau đi cắm cặm. Cặm là những chiếc que tre ngắn chỉ khoảng một mét, có buộc cước và lưỡi câu. Đầu lưỡi câu mắc chiếc mồi giun hoặc con ngóe bắt ở ngoài đồng. Dưới ánh trăng suông nhờ nhờ, hai đứa lom khom ở những rìa ao trong xóm, tìm những chỗ cá hay đi ăn để cắm cặm. Mỗi tối cắm khoảng ba mươi chiếc cặm, cắm xong về đi ngủ, khoảng một giờ sáng thì đi thu cặm. Lần thu nào cũng có cá, nhiều khi được đến hai chục con cá sộp hoặc cá trê. Một lần đi thu cặm ở giếng nhà ông Đượng (là chiếc ao tròn, cả làng đến đây gánh nước về ăn), đến chiếc cặm cắm dưới gốc cây si có rễ chằng chịt, nghe tiếng khua nước uồm uồm như người tắm, ngỡ là ma dọa, cả hai thằng hoảng sợ bỏ chạy lên bờ. Đứng một lúc, cùng nghĩ: làm gì có ma nhỉ? Vậy là lại cùng nhau lội xuống. Trời ơi, một anh cá sộp nặng đến năm ký mắc câu và đang cố vùng vẫy để thoát ra. Phải vất vả lắm, hai thằng mới đưa được cá lên bờ. Về nhà, bỏ vào chiếc nồi hông to, cá cuộn tròn một vòng, sáng sau thì nó chết do nồi chật, không bơi quẫy được. Mẹ thằng Trường nấu nồi cháo cá rõ to, cả nhà được bữa ăn phểnh bụng, nhớ đời…

 Thằng Tình là người tốt bụng. Có một đêm, do ban ngày phải làm quần quật ngoài đồng, tối đến lại ham chơi trò đuổi bắt ở sân kho hợp tác xã, rồi thức đi thu cặm, nên đêm ấy thằng Trường mệt quá, ngủ như chết. Nửa đêm mớ ngủ thế nào, cậu ta “tè dầm” ướt cả sang quần thằng Tình. Trường ta xấu hổ, cố nằm ép cho quần khô, nhưng không được. Thằng Tình biết, nhưng sau đấy im lặng, không kể với ai. Thằng Trường cứ ơn thằng Tình mãi...

(Còn nữa)

 Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.