Multimedia Đọc Báo in

Nhà có chiếc xe đạp và chiếc đài bán dẫn

18:13, 10/06/2017

Chiếc xe đạp ngày xưa quý ngang chiếc ôtô, thậm chí nhà ai có chiếc xe đạp Pơ-giô của Đức hay chiếc Fa-vô-rít của Pháp thì còn quý hơn chiếc ôtô bây giờ. Xe đạp cũng được đăng ký, được gắn biển số như mô tô, ôtô để công an dễ quản lý.

Cả làng Yên Phó ngày ấy mấy trăm hộ dân thì chỉ chừng chục nhà có xe đạp, đa số là của các bác, các anh cán bộ nhà nước. Thuần một nhãn xe Thống Nhất khung ngang, ghi đông nhôm, phanh nhôm (do Việt Nam sản xuất) chứ tuyệt nhiên không có thêm loại nào khác. Mãi đến những năm thập kỷ bảy mươi mới có thêm những chiếc xe đạp nhãn  Phượng Hoàng của Trung Quốc xuất khẩu sang.

Bố tôi là cán bộ làm ở trên thị xã nên ông cũng có một chiếc xe đạp Thống Nhất. Chẳng biết ông mua lại từ ai, nhưng nó là chiếc xe đã cũ, khung đã bị bong tróc, hai lốp mòn đến trơ cả xơ vải; xích, đĩa đều đã nhão mòn, khi đạp nghe cả tiếng cót két, cót két. Bộ phận đáng kể trên chiếc xe là... chiếc chuông. Chuông được làm bằng sắt để mỗi khi bấm nó kêu được thanh và vang nhất. Nói là "bấm chuông" cho oai, chứ thực ra đầu chuông chỉ là chiếc lẫy nhỏ, khi muốn vượt lên trước, người đi xe dùng ngón tay cái đẩy qua đẩy lại, chuông sẽ phát ra tiếng kêu "kính coong kính coong" thật vui tai. Nhưng bộ phận quan trọng nhất của xe đạp là chiếc khung xe. Chọn mua một chiếc xe, việc đầu tiên là búng ngón tay trỏ vào từng thanh khung; âm thanh phát ra càng trong, càng thanh tức là khung tốt. Sở dĩ phải chú ý đến khung xe bởi vì mọi bộ phận khác đều có thể thay thế hoặc chắp vá dùng tạm, chứ khung xe không thể thay được. Có gia đình, chiếc xe đạp được xem như của hồi môn dùng từ đời bố, chuyển sang đời con, đời cháu... sơn trên khung đã bong tróc hết, chỉ còn lại màu bóng nhẫy của thời gian.

 Có lần bố tôi bán chiếc xe Thống Nhất cũ, góp nhặt thêm tiền mua được chiếc xe đạp Fa-vô-rít của Pháp mới toanh. Cả làng kéo đến xem. Bố tôi dắt xe ra sân kho hợp tác xã đi thử, cả đoàn người đứng vòng quanh sân kho nhìn theo trầm trồ, bàn tán. Rồi bố tôi tìm hai đoạn dây buộc lên đòn tay nhà, cuối dây có hai đoạn dây thép uốn cong và... treo chiếc xe lên. Ngày hai buổi ông dùng giẻ sạch lau đi lau lại chiếc xe, nhẹ nhàng cứ như sợ nó đau vậy. Có lúc ông chun miệng thổi thổi những hạt bụi bám trên chiếc khung còn thơm mùi sơn. Lũ trẻ con chúng tôi rất khoái cái trò quay xích xe cho líp xe kêu tè tè, bánh xe quay tròn đến chóng mặt. Biết vậy nên bố tôi cấm chỉ tôi và lũ em bén mảng đến gần chiếc xe; nét mặt ông trở nên khó đăm đăm.

 Nhưng rồi sau đấy bố tôi phải bán chiếc xe bởi mẹ tôi cứ cằn nhằn, ca cẩm miết. Nào là "nhà nghèo mà ông chơi sang", nào là "cả núi tiền trong đấy, nhỡ... làm sao thì ông... làm sao?" vân vân... Bố tôi đâm hoang mang và đánh tiếng bán chiếc xe. Mấy ngày sau, bác Ngật bên cạnh nhà sang hỏi mua, trả sáu trăm sáu mươi đồng. Bố tôi thấy cũng lãi được mười đồng nên đồng ý bán. Nhìn bác Ngật dắt xe đi, nét mặt bố tôi buồn như mếu!

Sau chiếc xe đạp, bố tôi còn một tài sản quý khác nữa là chiếc đài bán dẫn. Tôi còn nhớ trước đấy cả làng không nhà ai có chiếc đài nào. Ở xóm có bác Xiểm làm bên bưu điện, có chút chuyên môn về điện nên bác đã tự "sáng chế" ra chiếc Ga-len để nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Bác Xiểm  chặt một cây tre cao đến sáu, bảy mét dựng trước sân nhà, nối dây đồng từ ngọn tre xuống, cuối dây có một chiếc loa nhỏ như miệng chiếc chén uống nước. Khi muốn nghe phải áp sát chiếc loa vào tai, âm thanh nhỏ đến độ chỉ một người nghe được. Vậy mà trưa nào cũng có hàng đoàn người đến nghe nhờ, người này áp tai mấy phút rồi phải nhường người khác, cứ nhộn nhịp như họp chợ...

Chiếc đài mà bố tôi có được là do ông làm cán bộ tổ chức của Hợp tác xã mua bán huyện nên được phân phối mua đợt đầu. Đến bây giờ tôi không còn nhớ được hình thù chiếc đài ra sao, chỉ nhớ rằng tiếng nó rè và nhiễu sóng kinh khủng. Nhiều khi tiếng "sôi" của nó át cả tiếng phát thanh viên, nhiều lúc đang nói tiếng Việt tự dưng lẫn tiếng đài khác, mà đa số là tiếng Trung Quốc (có lẽ do sóng của họ mạnh hơn). Ấy vậy nhưng chúng tôi thấy khoái lắm, hệt như nhà mình đang giàu nhất làng. Cứ mỗi chiều thứ Bảy (ngày ấy cán bộ công chức chỉ được nghỉ vào ngày chủ nhật), biết bố sẽ từ cơ quan về, chúng tôi hồi hộp đợi bố ngoài ngõ.

Khi nghe tiếng xe đạp kêu cọt kẹt, rồi tiếng nói, tiếng hát phát ra là chúng tôi chạy ào ra đón bố. Bố tôi xuống xe, đặt thằng cu út ngồi lên sau xe, vặn cho âm thanh chiếc đài mà bố đang khoác chéo trên vai to hơn. Vào nhà, bố cẩn thận gỡ chiếc đài ra khỏi vai, trang trọng đặt lên chiếc bàn giữa nhà. Tối ấy, chúng tôi quên ăn, đứa nào đứa nấy ngó chăm chăm vào chiếc đài rồi hỏi nhau: "Sao chiếc đài nhỏ vậy mà người ngồi được vào trong ấy để nói vậy nhỉ?";  hoặc là: " Khiếp, cả tốp  người hát, chắc là họ bé chỉ bằng ngón tay út mình thôi...". Có lần, tôi được bố cho xem "Giấy cho phép sử dụng đài ", gồm tên, tuổi người dùng, tên loại đài... và dấu đóng đỏ chót.

Sau này, vào những năm bảy mươi, tám mươi, khi chiếc ra-đi ô đã trở nên phổ biến thì nan giải nhất là nguồn điện để đài nói được. Pin khan hiếm đến nỗi phải dùng đi dùng lại; tận dụng đến nỗi pin chảy nước mà vẫn không bỏ; cứ viên này nối viên kia bằng chiếc dây cao su, dài đến vài gang tay; mỗi dây như vậy có đến chục, thậm chí hai chục viên pin cũ, mới đủ loại...

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc