Ông Mạch cắt tóc, bà Chế già làm thơ
- Ai tóc khô...khô...không?
Đó là tiếng rao cắt tóc dạo của ông Mạch. Ông Mạch là người xóm trên, năm ấy chắc ông chỉ khoảng năm mươi tuổi nhưng bốn mùa đều chỉ mặc thay đổi hai bộ quần áo nâu bạc màu tuy có vài mảnh vá nhưng luôn thẳng thớm và sạch sẽ. Tay xách chiếc hòm gỗ đựng tông-đơ, kéo và dao cạo, tay kia cầm chiếc ghế nhỏ có thể mở ra gấp vào cũng đã cũ màu theo thời gian, ông đi khắp làng với tiếng rao đều đều. Vợ ông Mạch mất sớm, ông ở vậy làm nghề nuôi bầy con năm đứa trứng gà trứng vịt. Cũng có lẽ vì vậy mà ông Mạch ít nói, chỉ khi nào thật cần thiết ông mới cất lời.
Một lần, tôi được ông nội tôi gọi ông Mạch vào cắt tóc cho tôi. Vẫn dáng vẻ chậm rãi, ông Mạch đặt thùng đồ nghề, bế tôi ngồi lên ghế rồi soạn từng thứ lên mặt hòm đã mở, cẩn thận như thầy thuốc sắp đặt dụng cụ trước khi mổ cho bệnh nhân. Ông Mạch choàng tấm vải lên người tôi rồi bắt đầu đưa tông-đơ, tiếng tông-đơ đều đều. Vừa cắt tóc, ông vừa húng hắng ho. Ông nội tôi đứng bên cạnh nói chuyện và canh đàn gà không cho vào sân mổ thóc. Qua câu chuyện của hai ông, tôi mới được biết cuộc đời của ông Mạch cũng gian truân lắm. Mang tiếng là "Việt kiều" từ Thái Lan về nước nhưng gia sản ông chẳng còn gì khi bà vợ bệnh kéo dài, phải lo thuốc thang cứu chữa nhưng bà cũng không qua khỏi. Năm đứa con, đứa lớn nhất cũng chỉ mới mười sáu tuổi, thằng út lên năm; ông ở vậy làm lụng nuôi con, vì sợ lấy vợ nữa chúng sẽ khổ. Rồi ông đọc ca dao, đọc nhiều lắm, nhưng đến nay tôi chỉ còn nhớ được mấy câu này:
Khi con tát cạn biển Đông
Thì con mới hiểu tấm lòng của cha
Dạy con: Nhận rõ đúng sai
Ân tình, nhân nghĩa, dũng tài, hiếu trung.
Rộng lòng, độ lương, khoan dung
Gái, trai chí lớn - chớ dùng mưu ma.
Hòa cho tiếng đọc thơ của ông Mạch là tiếng gió nhè nhẹ, tiếng bầy chim ríu rít trên ngọn cây vải. Đã năm mươi năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ cái khung cảnh hôm ấy sao mà đẹp vậy. Bởi cái hiếu động, nghịch ngợm đến trời cũng sợ của tuổi mười hai như tôi đã có được những giây phút lắng đọng mà tôi còn mang theo mãi đến tận bây giờ...
Ngoài sân, bóng nắng đã chạy đến gần giữa sân, bóng mát hiên bếp nơi tôi ngồi cắt tóc cũng đã thu hẹp dần. Sắp lại đồ đạc vào chiếc hòm gỗ, ông Mạch vẫn vừa làm vừa đọc thơ. Đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao ông thuộc nhiều thơ, nhiều ca dao đến vậy? Tôi chợt nhớ đến bà Chế Già, một người đàn bà đến nửa chữ cắn đôi cũng không biết, vậy mà bà lại làm thơ, rất nhiều thơ nữa là khác.
Bà Chế già (người làng gọi vậy vì chồng bà mất sớm, bà được gọi theo tên con trai và cũng là để phân biệt với bà Chế trẻ) trong trí nhớ của tôi thì đấy là một bà cụ lưng còng, hai tròng mắt trắng đục và luôn kèm nhèm. Khuôn mặt bà chằng chịt những nếp nhăn mà có lẽ từ bấy đến giờ tôi chưa gặp ai có khuôn mặt nhăn nheo đến vậy. Nhà bà Chế già nghèo lắm, nghèo đến độ bà chỉ có độc một bộ quần áo đã cũ, mỗi khi cần thay giặt thì bà mặc chiếc yếm nâu sờn với chiếc váy có rất nhiều mảnh vá đủ mọi kích cỡ, màu sắc. Chồng mất, con cái cũng nghèo nên bà ở riêng, tự kiếm sống. Do già nên bà không tham gia làm đồng được, quanh năm đi mót khoai mót lúa. Bữa cơm của bà chỉ độc một món là muối trắng với niêu cơm to bằng vốc tay; ấy vậy mà cũng bữa có bữa nhịn. Chẳng hiểu vì sao kham khổ vậy mà bà vẫn khỏe, không ốm đau bệnh tật gì; đặc biệt bà rất minh mẫn và thuộc rất nhiều ca dao, những câu răn đời, kiểu như: "Kim vàng ai nỡ uốn câu/Người khôn ai nỡ nói nhau nặng nhời"; hoặc là: "Bề trên ở chẳng chính ngôi/Để cho bề dưới chúng tôi hỗn hào"... Bà thuộc Kiều của Nguyễn Du và thường lấy các cô gái ở trong làng Yên Phó để vận vào từng câu Kiều.
Bà còn làm thơ nữa. Trong một lần về quê, tôi được bà Nam năm nay đã chín mươi mốt tuổi đọc cho nghe bài thơ bà Chế già làm khi bà Nam mới lên sáu tuổi, nghĩa là cách đây đã tròn... tám mươi lăm năm. Đọc thấy tác giả gieo vần lục bát khá chuẩn, viết về các sự kiện ngay trong làng Yên Phó của tôi:
Yên Phó không ai làm quan
Trai khôn cũng lắm gái ngoan cũng nhiều
Cô Láng biết đủ mọi điều
Còn như cô Được ra điều gái ngoan
Cô Bé như ông sao ba
Cha sinh mẹ dưỡng người ta vang lừng
Cô Lớn như quả hồng xanh
Lắt lẻo trên cành lắm kẻ ước ao
Cô Từ như tấm lụa đào
Đương đông buổi chợ biết vào tay ai.
Bà Chế già còn một nghề nữa là nghề... bắt mộng, chặn màng mắt. Trong làng ai bị lẹo, bị mộng ở mắt thường nhờ bà đến "bắt mộng". Thời điểm để bắt mộng chặn màng là vào buổi chiều, nắng còn đang vàng trên ngọn tre. Bà hái chín ngọn thài lài (một loại cỏ lá to mọc bò ven hàng rào) nếu là đàn bà, bảy ngọn cho đàn ông. Đặt chiếc thớt nhỏ trên đầu bệnh nhân, bà cầm từng ngọn thài lài đưa ngang mắt hướng về phía mặt trời, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú: "Mặt trời vàng vàng/Ta ra chặn mộng/ Chặn mộng mộng tan/Chặn màng màng lặn", rồi bà cầm ngược ngọn cỏ, mài mài nhẹ vào chỗ mộng, chỗ màng trên mắt sau đó đặt lên thớt chặt cái độp. Đơn giản vậy, nhưng chẳng hiểu sao mười người nhờ bà chữa thì có đến chín người khỏi...
(*) Xem từ số báo ra ngày 16-4-2017.
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc