Multimedia Đọc Báo in

Cánh diều tuổi thơ

06:17, 10/09/2017
Con diều ngày xưa không sặc sỡ, nhiều hình nhiều vẻ như con diều ngày nay. Nó đúng nghĩa là “cánh diều”- như một bên cánh của con chim diều hâu, mang hình ê lip thon đều về hai phía.
 
Muốn có một con diều, công việc đầu tiên là làm khung diều. Nguyên liệu sử dụng là cật tre vót tròn đều. Phải chọn loại tre già, thật khô để sao cho càng nhẹ càng tốt giúp cho diều bay cao, bay xa. Kế đến là dán giấy (phất giấy) lên các phần khung đã được định hình tùy kích thước to nhỏ khác nhau theo sở thích của người làm diều. Dây diều thường là dây cước loại to; đặc biệt có những con diều to cỡ chiếc thuyền con thì phải dùng đến dây đay bện. Phần quan trọng nhất để khi diều bay lên không bị đảo là ở phần chỉnh dây trên “đố diều”. “Đố diều” là thanh tre gắn ngang thân diều (nằm ở chính giữa), hai đầu được nối bằng sợi dây để buộc dây diều. Chỉnh đúng dây ở phần này thì diều bay cao, êm; ngược lại chỉnh không đúng là diều đảo và chúc xuống, dễ rơi.
 
Tháng năm, tháng sáu vào kỳ nghỉ hè cũng là dịp bọn trẻ làng vào mùa làm diều. Cật tre đã được chúng chẻ và phơi nắng trước đấy cả vài tháng, nay chỉ việc vót cho tròn. Việc vót tre cũng lắm gian nan: dao vót phải là dao sắc, người vót phải khéo tay bởi nếu vụng về, đưa dao không đều dao sẽ bập hoặc làm gãy que tre giữa chừng. Tay trẻ con thường yếu, nhiều thằng giở khóc giở mếu vì que tre cứ bị lẻo phải làm đi làm lại nhiều lần. Vót xong được một bộ khung diều thì đầu tóc chúng rối bù, mũi dãi nhỏ cả xuống đất, hai bàn tay đỏ lựng. Nguyên liệu khó tìm nhất là giấy phất diều. Ngày ấy ở làng quê không tìm đâu ra loại giấy mỏng như giấy pơ - luya, mà phổ biến là loại giấy dó dùng để viết chữ nho bằng bút lông. Giấy dó hội đủ ba điều kiện: mỏng, dai và mềm nên dùng phất diều cực tốt. Đã có chuyện cười ra nước mắt: có thằng lén ăn cắp tập gia phả của cả họ (viết bằng chữ nho trên giấy dó) đựng trong ống hương để trên bàn thờ tổ đem xuống xé ra phết nhựa dán diều. Người lớn không một ai biết, chỉ khi có việc đại sự trong họ mới mở ống lấy gia phả thì… hỡi ôi, chỉ còn cái ống trống không. Kết quả của sự dại dột không thể cứu vãn từ thằng cháu “trời đánh” là tập gia phả quý ngàn vàng cũng không đổi được (bởi nó được chép lưu tay từ đời này qua đời khác) của cả tộc họ bị xóa sổ. Ông nội hắn vì dằn vặt bởi mặc cảm mắc lỗi tày đình với tiền nhân, với tổ tiên mà suy nghĩ sinh bệnh rồi mất sớm… Cháu ơ hờ khóc ông, khóc cho cả cái sự ngu dại không thể nào chuộc lại được.
 
Đứa làm diều cực giỏi trong xóm ngày ấy là thằng Hưng. Diều của nó lúc nào cũng bay cao nhất, êm ru như một chấm trăng nhỏ giữa trời. Mỗi khi thằng Hưng làm diều, cả nhóm năm, bảy thằng chụm vào xem, trật tự như đang ngồi trong lớp học. Rồi thằng Hưng phân công đứa đi chặt nhựa dán, thằng đi mua dây… Nhựa dán diều được sử dụng phổ biến là nhựa sung hoặc nhựa cây duối dại có quả chín vàng như hạt bắp, ăn ngậy và ngọt. Tốp thằng Minh đi kiếm nhựa ở cây sung trên bến ao nhà bà Xán, tốp thằng Hòa thì đi ra mãi cây duối dại gần chiếc chuôm nhà bà Xuyền. Chặt, hứng nhựa cũng phải biết cách: phải bập lưỡi dao sao cho vừa phải, chỉ vừa đứt phần vỏ cây, không bập quá sâu vào phần gỗ (để nhựa chảy ra được nhiều) rồi đưa miệng chiếc bát con vào hứng, kiên nhẫn từng giọt từng giọt. Nhựa mang về, thằng Hưng trộn đều cả hai bát rồi dùng ngón tay trỏ chấm nhựa phết đều trên cốt tre, nhẹ nhàng dán giấy lên sao cho thật căng, thật phẳng. Khó nhất là ở những phần thân uốn cong (như hình chiếc mái đình nho nhỏ xinh xinh), người vụng dán thường làm giấy nhăn nhúm phải gỡ ra dán lại cả chục lần. Diều dán xong mang phơi trong bóng râm khoảng hai ngày cho nhựa khô đều, giấy bám chắc vào cật tre thì mang đi thả được.
 
Nơi bọn trẻ thả diều thường là trên bờ đê thoáng đãng bởi gió từ sông Vạc thổi lên mát rượi, mặt đê lại rộng, tha hồ chạy để “nuôi diều”. “Nuôi diều” nghĩa là khi thằng cầm diều phía bên kia đẩy diều lên thì thằng cầm dây đầu này phải vừa giật vừa chạy, phối hợp sao cho thật nhịp nhàng để diều bay lên cho đến khi “cạn dây”. Khi này thì yên chí cột dây vào chiếc cọc rồi… ngắm. Chiếc diều trên cao tít như một chấm trăng nhỏ sống động giữa nền trời xanh thẳm, thỉnh thoảng lại chao về bên này, nghiêng về bên kia như cười chào các cậu chủ nhỏ đang vừa đưa một tay che mắt nhìn diều, tay kia gãi đùi sồn sột vì mải chạy mà không để ý đến việc hoa cỏ may cắm đầy quần, ghim cả vào chân.
 
Không chỉ lũ trẻ con thích thả diều mà nhiều người lớn trong làng cũng đam mê trò chơi này. Làng Yên Phó có ông Ứng, ông Phiết làm diều cực giỏi và thả diều cũng rất hay. Diều của các ông to ngang chiếc thuyền con, nặng đến vài ký có gắn thêm chùm sáo năm hoặc bảy ống nứa to cỡ cổ tay người lớn; khi bay lên trời gió thổi vào sáo tạo nên những âm thanh trầm bổng réo rắt. Ông Ứng làm một con diều bằng giấy bìa dày, màu đen hệt như một bên cánh con diều hâu khổng lồ; dây được bện bằng vỏ cây đay se săn và chắc. Thằng Trường (cháu nội) một lần may mắn được ông cho theo ra cánh ruộng Lệnh, giao hẳn trọng trách cầm con diều thả lên để ông nội nó đứng dầu kia giật dây “nuôi diều”. Trường ta sướng đến tê người hăm hở nâng diều lên để thả. Rủi cho nó, con diều nặng quá sức thằng trẻ con, nên đến cả chục lần nó vẫn không tung diều lên được; thậm chí có lần diều suýt bổ vào đầu nó. Mãi sau, ông Xuyền đi qua tung hộ nên diều mới bay lên được, tiếng sáo diều từ không trung thả xuống, vang xa đến tận làng Yên Bắc cách đó cả cây số. Trường đứng nhìn con diều, khụt khịt mũi, thầm nhủ nhất định sau này lớn lên cậu ta cũng sẽ làm được con diều to như con diều của ông nội.
 
Con diều giấy hình vầng trăng thuở ấy đã làm mê mẩn bao thế hệ trẻ con làng Yên Phó. Hình ảnh con diều bay chấp chới trên nền trời xanh giữa làng quê đã nuôi dưỡng bao ước mơ sẽ bay cao bay xa của lũ trẻ làng. Sau này đã có đứa trở thành “thi sĩ làng”, viết về làng thật hay:
 
“Làng tôi ở tít mù xanh
Ngọn cau treo giấc mơ lành người đi…”.
 
Đinh Hữu Trường

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.