Cây rạ, cây rơm thơm mảnh hồn làng
Làng quê thuở ấy dứt khoát phải có cây rạ, cây rơm. Rạ rơm mang nét đặc trưng riêng của miền quê lúa nước vùng đồng bằng. Chả vậy mà câu ca: “Rồi mùa rạ tóoc rơm khô; bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm” đã một thời đau đáu trong thơ ca Việt để tả nỗi niềm nhung nhớ của con người với con người nơi miền thôn dã, nơi có rạ cùng rơm.
Rạ là phần thân dưới của cây lúa, rơm là phần ngọn mang trọn vẹn hạt lúa trên đó. Khi gặt, người ta gánh phần ngọn lúa về, đập hoặc trục đá để hạt lúa rơi ra khỏi ngọn, phần ngọn ấy được gọi là rơm. Còn rạ thì được phơi lại ngoài đồng để khi nỏ mới gánh về. Màu rơm rạ khi phơi khô cũng khác nhau: rơm có màu vàng ươm, ngược lại rạ có màu xám như màu cánh con chim sẻ. Chức năng sử dụng của rơm rạ cũng khác nhau: rơm được phơi khô để làm thức ăn cho trâu bò khi mùa đông tháng giá cỏ tươi khan hiếm; rạ dùng để lợp mái nhà hoặc làm chất đốt cho việc đun nấu thức ăn.
Cách “đánh” cây rạ, cây rơm giống nhau. Khi rơm rạ nỏ, người ta chôn một cây tre già đã phơi khô trên mảnh đất rộng (thường là ở đầu chái bếp hoặc cạnh chuồng trâu) rồi rải rạ rơm chung quanh, từng lớp từng lớp hình vòng tròn rồi dậm cho chặt. Cứ vậy, cây rơm, cây rạ cao dần, có khi chạm ngọn cây. Việc rải và dậm rơm rạ thường được giao cho trẻ con đảm nhiệm và chúng rất khoái làm việc này. Khoái vì được ở trên cao, nhìn đất nhìn trời và đặc biệt là được nhún nhảy trên các lớp rơm rạ mềm, êm như nhảy trên chiếc đệm lò xo với tiếng lào xào thật vui tai. Cái khó của việc “đánh” cây rơm, cây rạ là sao cho thành ngọn, càng lên cao càng nhỏ dần cho đến khi thành hình chiếc nón úp. Đến khi này thì các ông bố, bà mẹ chuyển rơm ở phía dưới phải luôn miệng nhắc, thậm chí có khi phải hét lên bởi có đến ba, bốn thằng trẻ con ở phía trên, mỗi thằng một phách, rải rơm thì ít mà đùa nghịch vật nhau thì nhiều khiến ngọn cây rơm méo xẹo, phải bốc lên rải lại.
Thằng Trường có một kỷ niệm nhớ đời về cây rơm đống rạ. Năm Trường học lớp 6, một bữa nó mắc lỗi bị mẹ mắng, Trường ta dỗi bỏ ăn tối ra sau nhà ngồi. Chợt nó thấy giữa cây rơm và cây rạ nhà ông Ân có một khe hở đủ cho một người ngồi. Vậy là cậu ta chui vào, lấy rơm phủ kín phía ngoài. Đang mùa đông, trời lại mưa phùn, cái ngách giữa hai cây rơm và cây rạ ấy ấm đến mê người, Trường đánh một giấc ngon lành. Chợt nó tỉnh giấc vì có tiếng người ồn ào phía ngoài, rồi ánh đèn dầu đỏ quạch soi lấp loáng. Thì ra bố mẹ và chú Phượng (em bố nó) thấy nó tự dưng biến mất nên sốt ruột đi tìm. Tốp người tỏa ra khắp xóm, đến nhà thằng Thông, thằng Hòa là bạn học cùng lớp với Trường hỏi cũng không thấy nên trở về soi cả bờ ao, vườn giong, góc tường… nhưng vẫn không thấy tăm hơi thằng Trường đâu. Trong khi ấy, thằng “trời đánh” ngồi trong hang ấm rung đùi cười tủm vì thấy mọi người lo đến sốt vó vì nó; thậm chí suýt nữa thì nó huýt sáo miệng bài “Này bà Lý toét ơi” mà nó và lũ bạn hay hát: “Này bà Lý toét ơi; con tôi nó lấy con bà; hai đứa nó cùng với nhau; đóng chung cho một cái giường…”. Chợt tiếng chú Phượng ở ngay trước “cửa hang”, rồi tiếng bới rơm lào xào. Trường ta hiện nguyên hình là tên “ba trợn” phải lồm cồm chui ra theo lệnh của chú. Bố Trường điên tiết bẻ cây giong riềng bên vườn quất vào mông nó. Thân cây giong tươi nên dễ gãy, Trường chả thấy đau, nó chỉ thấy tiếc rằng cái trò chơi “bá đạo” của nó phải kết thúc sớm quá!
Rơm rạ như hồn quê hương, cứ đau đáu trong lòng người đi xa. Ngày mùa lúa phơi vàng sân, rơm rạ rải khắp đường quê, kín lối ngang ngõ dọc. Thôn nữ trở rạ trong nắng trưa mồ hôi đẫm lưng áo nâu, đẫm đôi vai tròn lẳn, thành giọt trên đôi má hồng.
Bọn trẻ con làng đuổi nhau trên rạ rơm hét hò inh xóm trong tiếng lào xào dưới chân. Rồi chúng bốc rạ bốc rơm tung vào nhau khiến đầu tóc, quần áo dính đầy rơm rạ. Có câu chuyện thật cảm động: Một bà Việt kiều theo chồng sang nước Pháp định cư từ khi tuổi còn thanh xuân. Đến khi về già bị bệnh biết mình khó qua khỏi, bà có một ước nguyện được hít mùi khói đốt từ rơm rạ. Các con bà phóng ô tô về vùng ngoại ô nước Pháp mang về một nẹn rơm nhỏ, đặt vào chiếc nồi con rồi đốt. Khói từ nẹn rơm tỏa nhẹ như làn khói đốt đồng từ quá khứ bay lên. Cánh mũi người mẹ khẽ phập phồng, môi bà nở một nụ cười mãn nguyện rồi cụ từ từ lịm dần. Có lẽ trong cái giây phút trước khi từ giã cõi đời, hình ảnh đồng quê Việt Nam với làn khói rơm rạ bốc lên, giữa một chiều mùa đông cùng bạn bè thuở nhỏ bới khoai lang về nướng trên đồng làng sau vụ gặt thuở nào lại hiện ra rõ nét. Mùi thơm của khói rơm, mùi cháy của củ khoai lang quá lửa trong gió chiều đông hun hút đã ùa về trọn vẹn trong tâm thức cụ.
Giờ đây, cây rơm, đống rạ không còn nữa, nhưng sẽ còn mãi câu ca dao thấm đẫm tình làng quê với mùi thơm rơm rạ mang hồn quê ngan ngát thuở nào…
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc