Multimedia Đọc Báo in

Gặp quê hương trên mọi quê hương

15:59, 27/09/2017

Nghe quan họ trên cao nguyên

Khúc giã bạn hát rồi mà anh còn nấn ná

Dùng dằng hoài bởi tiếng láy vọng:

 "Người ơi..."

Anh tệ thật, bao lần nghe quan họ

Mà lần nào cũng tưởng mới nguyên thôi

 

Sông thì xa, đỉnh núi thì gần

Câu quan họ chảy trong lời hát

Ngỡ sông Cầu dập dềnh trước mặt

Nắng lưng đồi cứ ngỡ nước lơ thơ.

 

Nắng lưng đồi như thực, như mơ

Cứ lấp loáng như cái dòng sông ấy

Mà sóng vỗ vào lòng anh vậy

Nên giữa bao người anh chỉ thấy riêng em

 

Giá mà em làm một mạn thuyền

Anh ngồi tựa như trong quan họ

Thì mây núi chẳng tím màu thương nhớ

Tay vin cành thôi thả gió bâng khuâng.

 

Nào có thấy đâu đôi vạt áo ướt đầm

Câu hát thế nhưng em đâu có thế

Mà chỉ thấy má hồng sắc trẻ

Níu kéo anh hoài ở mãi đây thôi

 

Anh mải nghe quan họ đến nao người

Xôn xao lòng một vùng đất đỏ

Gặp nhau đây tình anh muốn ngỏ

Mà khó nói sao... chỉ một lời yêu

 

Con sông Cầu quan họ đẹp ráng chiều

Cứ dịu dàng như em - cô gái vùng Kinh Bắc

Xui ta gặp mình giữa cao nguyên Đắk Lắk

Gặp quê hương trên mọi quê hương.

Hữu Chỉnh

 
Bài thơ “Nghe quan họ trên cao nguyên” của nhà thơ Hữu Chỉnh được nhạc sĩ Vũ Thiết phổ nhạc đã thổi vào hồn người một tình yêu thiết tha với quê hương Đắk Lắk, nhất là những ai đã từng sống ở miền Bắc, từng tắm táp hồn mình qua những bài quan họ trao duyên tình tứ, mặn mà, giờ đến mảnh đất này an cư lạc nghiệp.

Đặt trong hoàn cảnh sáng tác đầu những năm 1980, chúng ta mới hiểu được nỗi niềm và khát vọng của con người về một vùng đất đằm thắm tình người trong sáng đến nhường nào khi đọc thi phẩm trên. Nhà thơ Hữu Chỉnh, bằng sự nhạy cảm của trái tim thi sĩ, khi nghe làn điệu quan họ trên đất cao nguyên, đã bật lên tiếng lòng tha thiết trong nỗi niềm riêng và tình yêu quê hương, đất nước rộng lớn của mình:

Khúc giã bạn hát rồi mà anh còn nấn ná

Dùng dằng hoài bởi tiếng láy vọng: "Người ơi..."

Anh tệ thật, bao lần nghe quan họ

Mà lần nào cũng tưởng mới nguyên thôi

Các từ ngữ "nấn ná", "dùng dằng" gợi tả được tâm trạng bâng khuâng, lưu luyến của nhân vật trữ tình tác giả khi nghe khúc giã bạn buồn thương vương vấn. Lời ca quan họ trên đất cao nguyên da diết, bồi hồi nên lời "giã bạn hát rồi" mà cứ láy vọng, níu kéo không nguôi, như van lơn "người ơi, người ở đừng về". Chân thành trong cách biểu đạt, nhà thơ Hữu Chỉnh ngay ở khổ thơ đầu đã đánh thức tâm tưởng người đọc bằng cách trực tiếp bộc lộ tình cảm chân thành nhưng đầy khơi gợi dễ thương. Chìm đắm lời ca quan họ trên đất cao nguyên, hồn thơ của thi nhân cũng chới với đôi bờ, một nửa nhớ thương hướng về đất Bắc, một nửa lắng hồn vào cõi thực của mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk nắng gió bạt ngàn:

Sông thì xa, đỉnh núi thì gần

Câu quan họ chảy trong lời hát

Ngỡ sông Cầu dập dềnh trước mặt

Nắng lưng đồi cứ ngỡ nước lơ thơ.

Phép đối lồng trong phép nhân hóa đã tạo cho khổ thơ có một sức hút đặc biệt. Sông xa, núi gần là thực tại đời sống hiện hữu, nhưng "sông Cầu dập dềnh trước mặt" là cái ảo đã hóa thật nên nắng lưng đồi lại ngỡ nước lơ thơ. Có thể nói rằng, đây là khổ thơ hay nhất trong toàn bộ thi phẩm nhờ cảm xúc được đẩy lên cao độ, hồn thơ, tình thơ tác giả đã được kết đọng, ngưng tụ. Qua câu ca quan họ trên đất cao nguyên mà nhà thơ níu hai miền đất nước giao hòa gắn kết lại với nhau. Mảnh đất cao nguyên hiện hình trong lời ca quan họ, nên hình bóng quê nhà cứ chập chờn trước mặt, nghe sao mà tha thiết một tình yêu với quê cố xứ ngàn trùng. Cái hư và cái thực, mơ mộng và cuộc đời cứ luyến láy đôi bờ, xốn xao tâm hồn tác giả. Câu thơ nhờ đó tạo hiệu ứng mạnh của cảm xúc vượt ngưỡng, cứ trào tuôn ngân nga một nỗi nhớ vô bờ. Khổ thơ thứ ba tiếp tục mạch cảm xúc nửa mơ - nửa thực của cảm giác hư ảo ở khổ thơ thứ hai kết hợp niềm xao xuyến của lòng anh giao cảm với lòng em, nên giữa bao người mà anh chỉ nhận ra em duy nhất:

Nắng lưng đồi như thực, như mơ

Cứ lấp loáng như cái dòng sông ấy

Mà sóng vỗ vào lòng anh vậy

Nên giữa bao người anh chỉ thấy riêng em

Chính tiếng hát xao lòng của em đã khiến lòng anh bâng khuâng muốn ngỏ, muốn em làm một mạn thuyền như trong câu quan họ đưa duyên. Khao khát tan hòa, nhập hồn vào trong lời hát đã đẩy cảm xúc thơ lên thành "tím màu thương nhớ", bâng khuâng một nỗi niềm bày giãi yêu thương:

Giá mà em làm một mạn thuyền

Anh ngồi tựa như trong quan họ

Thì mây núi chẳng tím màu thương nhớ

Tay vin cành thôi thả gió bâng khuâng.

Bài thơ được viết không bao lâu sau ngày nước nhà hoàn toàn thống nhất, hai miền Nam - Bắc nối liền một dải yêu thương. Trên cao nguyên Đắk Lắk bao la còn không ít bộn bề gian khó, đất rộng người thưa, buồn hắt hiu mỗi lần nhớ về cố xứ. Phải hiểu bài thơ ra đời trong hoàn cảnh như vậy mới thấy hết nỗi niềm của tác giả muốn gửi gắm trong thi phẩm. Từ câu ca quan họ luyến láy trữ tình như níu hồn người trở về đất Bắc đến bài thơ “Nghe quan họ trên cao nguyên” là cả một hành trình sống và gắn bó máu thịt của một thế hệ cha anh với mảnh đất Tây Nguyên gian khổ buổi đầu.

"Gặp quê hương trên mọi quê hương" là câu kết bài thơ thật nhiều ý nghĩa. Nó là tâm tình, là nỗi niềm của bao người con xa xứ. Nó là lời động viên chân thành, chứa chan cảm xúc của nhà thơ; vừa động viên mình, vừa khơi gợi tình yêu đến mọi người hướng về một vùng đất mới mẻ như cao nguyên Đắk Lắk mê đắm và huyền thoại. Có lẽ sau ngày nước nhà thống nhất, trong con mắt của nhà thơ Hữu Chỉnh, có nơi đâu trên dải đất hình chữ S này lại không là quê hương yêu dấu của mọi người Việt Nam. "Gặp quê hương trên mọi quê hương", gặp tình em giữa bao người thân thiết đã ngân thành tứ thơ độc đáo một thời làm mê đắm bao người xa xứ mỗi lần "Nghe quan họ trên cao nguyên".

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.