Multimedia Đọc Báo in

Học trò làng Yên Phó

15:18, 16/09/2017

Cuộc sống những năm ấy còn nghèo khó nên mọi điều trong cuộc sống đều đơn giản, rất đơn giản là khác…

Với bọn trẻ trong làng thì việc phải mặc áo có năm, bảy mụn vá, xỏ chiếc quần với dây buộc lưng thắt bằng dải rút (chứ không phải dây thun như bây giờ) hoặc đi bộ hai, ba cây số đến trường, lội chân trần vào lớp… là chuyện bình thường.

Chuyện xung quanh chiếc dây rút quần của trẻ con cũng có nhiều chuyện dở khóc dở cười, không ít lần gây phiền toái cho chúng. Nguyên là quần may cho trẻ con thời ấy thường bằng vải bâu sợi thô, to được nhuộm xanh, may theo kiểu quần ống rộng trên và dưới bằng nhau. Quần may bằng vải ấy, theo kiểu cách ấy tuy có thô, rộng thùng thình nhưng được cái mặc rất thoáng mát. Chiếc dây rút  cũng bằng vải được xoăn tròn thành dây luồn vào đai lưng, mỗi khi mặc thì cởi ra thắt vào như kiểu người ta thắt dây giày ba ta bây giờ.

Một nguyên tắc là khi thắt nút phải thắt theo kiểu “tròng chó” để khi… có việc thì chỉ cần giật một đầu dây là được. Ấy vậy nhưng khối thằng đã phải khóc hu hu vì làm sai nguyên tắc ấy. Một lần sau buổi tan trường, cả tốp học trò lớp năm về đến đầu con ngòi Cống Gạch thì quẳng sách vở trên vệ cỏ rồi chia hai phe đá bóng. Trái bóng chỉ là quả bưởi rụng nhặt trong vườn bà Thoại đem hơ trên lửa cho mềm để dễ đá, vậy mà cũng vui ra phết. Giữa khi cuộc chiến đang hồi ác liệt vì phe thằng Minh đã thua đến ba trái thì thằng Trường thủ môn lại bị đau bụng và bỏ đi tìm nơi “giải quyết”. Cả tốp đợi lâu quá không thấy thủ môn trở về làm nhiệm vụ, đang định hét gọi thì thấy cách đấy chục mét Trường ta khóc rưng rức, chân cứ đi cà nang cà nang như kiểu đi cà khoeo. Thì ra, nguyên nhân là cu Trường khi thắt dây rút quần đã buộc thành hai nút nên khi… đau bụng quá, mở không được, cậu ta mắm môi mắm lợi giật khiến nút thắt càng chặt hơn. Kết quả là đũng quần Trường lĩnh trọn cái thứ khiến bọn trẻ khi ào đến giúp mở nút cứ phải một tay bịt mũi, một tay cởi. Cuộc chơi đành bỏ dở vì Trường ta phải lội xuống ngòi tắm rồi giặt quần phơi cho khô. Thằng Trường thiệt đơn thiệt kép vì vừa bị mắng rằng bắt gôn dở để thua tới ba trái, lại thêm cái tội bĩnh ra quần…

Chuyện với chiếc bìa vở, bìa sách giáo khoa và cây bút, lọ mực của học trò ngày ấy cũng thật muôn hình muôn vẻ. Vở viết vốn được nghiền từ rạ rơm lại sản xuất với công nghệ lạc hậu nên màu giấy đen và nhám, nhiều trang còn có cả mảnh vỏ trấu lặn vào. Tuy vậy nó cũng được các cô cậu học trò bao bọc cẩn thận. Do giấy báo hiếm nên đa số sách vở được bọc bằng bao xi măng. Đi qua nhà ai thấy đang xây nhà mà xin được một bao giấy bì xi măng còn đang nguyên vẹn là cả một sự may mắn. Đầu tiên là dùng dao rọc từng lớp giấy, giũ sạch bụi xi măng rồi vuốt cho phẳng; kế đến là đo, cắt sao cho thật khéo, hạn chế cắt thừa để bao được đủ số sách vở trong cặp. Lọ đựng mực thì đủ loại, nhưng đa số là lọ penexilin đã dùng hết thuốc, mực pha là loại mực màu tím; bút viết là ngòi “lá tre” có quản riêng, ngòi riêng để khi ngòi “chòe” thì thay. Mực đựng trong lọ penexilin có ưu điểm là nhỏ gọn, dễ nắm trong lòng tay, lượng mực ít nên có bị đổ thì cũng đỡ tiếc.

Tuy nhiên do nhỏ nên đáy lọ khó đứng trên mặt bàn, anh chàng nào khi chấm mà hấp tấp là coi như buổi học hôm ấy phải chấm nhờ lọ của thằng bên cạnh. Gọi là “chấm nhờ” nhưng thực sự là “vay”, vì hôm sau phải để cho anh chàng kia chấm lại để… trả nợ (kiểu sòng phẳng của bọn trẻ con ấy mà). Màu mực tím đã như một ký ức tuổi thơ đẹp theo suốt cuộc đời những đứa trẻ làng ngày ấy. Học trò của làng thuở ấy mà quần áo, sách vở, thậm chí cả mặt mũi, tay chân không dính, không lem màu mực tím thì anh chàng ấy chỉ là… công tử bột. Bởi vì chúng nghịch quá mà, hiếu động quá mà. “Nghịch đến trời cũng phải sợ”- như lời các bậc cha mẹ thường than vãn về chúng!

Cuối năm học nhà trường cũng có tổng kết năm học và trao thưởng cho những học sinh có thành tích “Học tập tốt, lao động tốt”, còn gọi là “Văn - Thể - Mỹ toàn diện”. Thằng Trường cuối năm học ấy thế nào mà được nằm trong danh sách khen thưởng. Khi được gọi lên đứng xếp hàng dọc cùng hai chục đứa “xuất sắc”, trước vài trăm học sinh ngồi dưới, Trường ta kiêu hãnh ưỡn ngực, mũi liên tục khụt khịt để cố sao cho hai cánh mũi khỏi nở to; mắt Trường liếc xuống phía thằng Hòa, thằng Minh, thằng Thông và lũ bạn cùng lớp ngồi phía dưới, ra vẻ… ta đây! Đáp lại, mấy thằng dưới trề môi thè lưỡi nhổ gió khan. Chắc chúng nó còn nhớ cái vụ Trường… bĩnh ra đũng quần hôm nào!

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.