Multimedia Đọc Báo in

Chuyện tình của ông Chủ bút Báo “Tiếng Chuông Rè”

11:19, 18/07/2010
Năm 1920, Nguyễn An Ninh tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Pháp. Do say mê chính trị, ông đã làm quen với chính giới ở Paris, gặp cả Nguyễn Ái Quốc, Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường, giao du với giới văn nghệ sĩ tiến bộ.
 
Đang chuẩn bị thi lấy bằng Tiến sĩ Luật ở Đại học Sorbonne thì Nguyễn An Ninh nhận được thư nhà gọi về “xem mặt vợ”. Ông về đính hôn với Emilie Penne, một cô gái người Việt gốc Miên, quốc tịch Pháp, con ông Bang Biện Bền, đại điền chủ ở Sóc Trăng. Sau lễ đính hôn, Ninh đi ngay sang Pháp để tiếp tục học, tham gia viết bài cho báo Le Paria do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút. Năm 1922, khi về Sài Gòn cưới vợ theo lệnh của cha, Nguyễn An Ninh thưa với ba má “Cho con suy nghĩ thêm” và bảo vị hôn thê Emilie: “Em giao việc “ly dị” cho luật sư, anh nhận hết phần sai quấy. Đám cưới bất thành!”.
 
Cô Trương Thị Sáu sinh năm 1904, người Việt gốc Hoa, đẹp người đẹp nết nhất vùng Cầu Ông Lãnh. Cha mất sớm, nhà lại nghèo, cô Sáu làm nghề may nhưng lại rất mê đọc báo. Cô có hai người bạn gái cũng mê đọc báo và thường được họ dịch báo “Tiếng Chuông Rè” (La Cloche Féléc) cho nghe. Khi biết chủ bút báo - ông Cử Ninh (Nguyễn An Ninh) - là nhà báo đối lập, cô Sáu rất muốn gặp. Hai người bạn gái của cô Sáu mời Cử Ninh đến chơi. Ấn tượng của cô về ông chủ bút là một người vui tính, hoạt bát, trẻ trung và hay cười. Một lần đến tiệm may của cô Sáu, ông Ninh hỏi: “May một cái áo dài bao nhiêu tiền? Cô Sáu trả công thợ bao nhiêu?”. Cô thành thật nói giá, ông Ninh nghiêm nghị: “Vậy là người thợ làm cả ngày mà chỉ được 1/10 số tiền cô Sáu thu từ một chiếc áo bán cho khách. Cô Sáu có thấy vậy là bất công không, trước đây cô đã biết cái nghèo vì bị chủ bóc lột, sao nay cô lại quên mình từng là kẻ nghèo đi bán sức lao động cho người giàu?”. Sau này, khi hai người đã quý mến nhau, ông Ninh đặt vấn đề: “Anh xin em hai điều: một là bỏ ý đồ mua bán làm giàu, hai là về Trung Chánh mà ở”. Tháng 11-1924, hai người nên vợ nên chồng, cô Sáu bỏ nghề may, về Hóc Môn quản lý đất vườn cho chồng hoạt động báo chí.
 
Tính đến ngày 4-10-1939, ông Nguyễn An Ninh đã 5 lần bị Pháp bắt. Mười chín năm làm vợ làm mẹ, bà Sáu đã khắc phục khó khăn, là hậu phương vững chắc để chồng làm cách mạng. Cuối năm 1940, Nhật vào Đông Dương. Sau Tết Quý Mùi (1943), khi ông Nguyễn An Ninh đang bị tù ở Côn Đảo, tên Nguyễn Hòa Hiệp, tay sai của Nhật, đưa một võ quan Nhật đến nhà bà Sáu. Chúng nói với bà: “Người Nhật chúng tôi rất quý trọng chí sĩ Nguyễn An Ninh. Chúng tôi sẽ cho tàu đưa bà và gia đình ra thăm chí sĩ ngoài Côn Đảo”. Bà Sáu bất ngờ nhưng hiểu rằng bọn này đang tính chuyện lôi kéo chồng bà để lợi dụng gây thanh thế. Bà từ chối: “Ông Ninh đã gửi thư về, chỉ còn một năm nữa là ông mãn hạn tù”. Tên chó săn xen vào: “Người Nhật muốn bà ra đảo khuyên ông nhà “hợp tác” với họ. Đây là cơ hội cho Nhật giúp mình giành độc lập”. Với giọng ôn tồn, nhỏ nhẹ, bà Sáu nói: “Việc quốc gia đại sự, xin quý ông ra đó bàn với ông nhà tôi, còn tôi phận đàn bà…”. Tên này thở dài thất vọng: “Chúng tôi gặp ông nhà  rồi, nhưng ông từ chối việc làm thiện chí của người Nhật”. Bà Sáu lắc đầu: “Ông Ninh đã từ chối, tôi làm sao giúp quý ông được”.
 
Là một nhà trí thức đương thời, Nguyễn An Ninh sớm đi vào hoạt động cách mạng. Từ bỏ chuyện làm rể một đại điền chủ miền Tây Nam bộ, xe tơ kết tóc với một cô gái nhà nghèo là chuyện quá hiếm ở Nam Kỳ hồi đó. Theo chồng, bà Trương Thị Sáu đã từ bỏ làm chủ tiệm may, việc mà ông Ninh cho là bóc lột, bất công. Năm bà Sáu 39 tuổi (1943),  bà đã trở thành góa phụ khi ông Ninh mất tại Côn Đảo vào ngày 14-8-1943.
 
Nhà báo Nguyễn An Ninh hy sinh khi còn rất trẻ, nhưng: “Chết đó, rõ ràng danh sống mãi/ chết đây, chỉ chết cái hình hài/ chết vì Tổ quốc, đời khen ngời/ chết cho hậu thế, đẹp tương lai (“Sống và chết” – bài thơ cuối cùng của Nguyễn An Ninh).
Lương Thiện Nhân (st-bs)

Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Đó đây...
11:10, 18/07/2010
Đó đây...
11:10, 18/07/2010
Buồn, vui nghề báo
11:09, 18/07/2010
Buồn, vui nghề báo
11:09, 18/07/2010