Multimedia Đọc Báo in

Xu hướng giao thông của các thành phố lớn trên thế giới

15:04, 23/07/2010
Nhằm giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, một số đô thị lớn trên thế giới hiện đã áp dụng những phương pháp giao thông mới mang tính thân thiện với môi trường, hạn chế các phương tiện cơ khí, đặc biệt là ôtô.
1. Copenhagen- thành phố của xe hai bánh
Cho dù thời tiết thuận lợi hay bất thuận những người dân ở Copenhagen, Đan Mạch vẫn thường dùng xe đạp để đi lại, kể cả đi làm lẫn mua sắm hàng hóa. Theo số liệu công bố trên trang tin Copenhagenizsi, thành phố này hiện có trên 500.000 chiếc xe đạp,  25% dân số của thành phố Copenhagen dùng xe đạp.
2. Hồng Kông
Đến du lịch ở Hồng Kông, người ta đều nhận thấy người dân ở đây có thói quen sử dụng thẻ Octopus Card để đi lại, được dùng cho tất cả các phương tiện công cộng như tàu hoả MRT hoặc đi phà hay xe mini buýt rất tiện lợi.
3. Tokyo
Tokyo là thành phố đông dân nhưng giao thông lại rất thuận lợi nhờ hệ thống tàu điện ngầm, giá cả phải chăng, tốc độ nhanh và được xem là phương tiện mang tính môi trường cao trong bối cảnh dân số của thành phố đang tăng nhanh như hiện nay.
4. Havana
Một trong những đặc thù về giao thông của thành phố Havana (Cu-ba) là việc sử dụng các phương tiện thô sơ và các loại xe ô tô nhỏ, đặc biệt là xe xích lô 3 bánh có mái che, tốc độ vừa phải, giá cả hợp lý giúp cho du khách có điều kiện thăm viếng, vãn cảnh trong thành phố.
5. Pari
Thủ đô Pari của Pháp nổi tiếng với hệ thống giao thông tàu điện ngầm có tên là Metro Paris, đây là phương tiện giao thông lâu đời nhất ở châu Âu, có từ năm 1900, độ dài 131 dặm (khoảng 210 km) với 380 ga lớn nhỏ. Nhiều kiến trúc của tuyến tàu điện ngầm này hiện đang được xem là di sản, điểm đến du lịch hấp dẫn không kém gì tháp Eiffel.
6. Mumba
Đặc thù giao thông ở thành phố Mumba (Ấn Độ) là tàu hỏa với mật độ đông chưa từng thấy,  nhiều người sợ đi tàu hỏa, nhưng lại có nhiều người thích vì nó "đông vui", giúp người ta nhớ lại những gì của thời kỳ bao cấp và quan trọng hơn là giá rẻ. Hiện nay Ấn Độ đang thực hiện dự án nâng cấp hệ thống tàu hoả để mang lại ấn tượng tốt cho ngành đường sắt của nước này.
7. Singapo và Seoul
Đây là 2 đô thị khá sầm uất của vùng Đông Á, nổi tiếng với phương tiện giao thông đường sắt nổi và ngầm. Trong đó, Seoul thiên về hệ thống tàu ngầm, còn Singapo lại được mệnh danh là thành phố xanh-sạch đẹp nhất nhì thế giới nhờ có hệ thống đường sắt hiện đại, hiệu quả và không bao giờ bị trễ giờ.
8. Luân Đôn
Thủ đô Luân Đôn (Anh) được tôn vinh là thành phố có hệ thống tàu hoả ngầm vươn xa nhất và cổ xưa nhất thế giới hiện nay, phương tiện đảm nhận việc đi lại cho trên 3,4 triệu dân của thành phố mỗi ngày.
9. Thượng Hải
Thượng Hải là thành phố có hệ thống tàu điện ngầm trẻ nhất thế giới, và đang có tốc độ phát triển nhanh, song song với tốc độ phát triển hạ tầng cũng như dân số của thành phố. Dự kiến đến năm 2020, Thượng Hải sẽ có hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất và đông đúc nhất thế giới.
10. New York và San Francisco
Đây là hai thành phố lớn của Mỹ nhưng lại tụt hậu so với các thành phố của châu Âu và châu Á về giao thông, cả hai đều dựa vào giao thông ngầm và mật độ đi lại ngày một đông.
11. Madrid
Tuy không phải là một đô thị lớn nhưng giao thông ở Madrid (Tây Ban Nha) phát triển rất nhanh và hiệu quả, đặc biệt là hệ thống tàu điện ngầm. Madrid hiện có mạng lưới tàu điện ngầm dài tới 175 dặm (280 km) và đang tiếp tục được mở rộng. Mặc dù xảy ra vụ khủng bố nhắm vào hệ thống giao thông đường sắt năm 2004 nhưng mật độ đi lại bằng phương tiện tàu hoả, tàu điện ngầm ở Madrid vẫn rất đông.
12. Sao Paulo và Amsterdam
Sở dĩ 2 thành phố thuộc hai châu lục khác nhau nhưng lại được xếp chung một danh sách là vì cả hai được mệnh danh là bicycling-est cities (Thành phố xe đạp). Theo đó, Amsterdam có tới 40% phương tiện lưu thông trên đường là xe đạp còn ở Sao Paulo thì sử dụng xe đạp được xem là "văn hoá giao thông". Trước tiên là giúp người ta hạn chế được tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông gây ra.
Nguyễn Khắc
(Theo WB- 17-7-2010)

Ý kiến bạn đọc