Những công trình văn hoá “để đời” từ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội
Chỉ trong vòng 10 ngày Đại lễ, Hà Nội đã khánh thành hàng loạt công trình văn hoá “để đời” - những thiết chế sẽ góp phần khẳng định vị thế trung tâm văn hoá nghệ thuật của thành phố 1.000 năm tuổi.
1. Tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn
Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn (Ảnh: VOV) |
Đây là tác phẩm nghệ thuật do tác giả Lâm Quang Nới sáng tạo, được Hội đồng Thẩm định nghệ thuật của TP.Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lựa chọn từ 25 mẫu dự thi. Tượng đài cao 5,4m, đặt trên bệ cao 1,8m, thể hiện tư thế Bác Hồ bắt tay chúc mừng Bác Tôn sau khi Bác Tôn được Quốc hội khóa II (năm 1960) bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tượng đài được đánh giá là đẹp nhất từ trước đến nay, vì có bố cục chặt chẽ, thanh thoát, gần gũi, thể hiện được phong thái của Bác Hồ và Bác Tôn.
2. Rạp Công Nhân
Diện mạo mới của Rạp Công Nhân trên tuyến phố trung tâm của Thủ đô (Ảnh: HNM) |
Vốn là rạp chiếu phim do người Pháp xây dựng từ năm 1917, sau gần 100 năm, rạp Công Nhân xuống cấp nghiêm trọng không thể cải tạo thêm được. Vì thế, năm 2007, TP. Hà Nội quyết định đầu tư xây dựng rạp trở thành một công trình đa năng, hiện đại với kinh phí 72 tỷ đồng.
Rạp được thi công với kiến trúc vòm truyền thống, phù hợp với kiến trúc của phố Tràng Tiền, mặt ngoài được thiết kế cách điệu như một bông hoa. Rạp có quy mô 3 tầng: 1 tầng hầm, 3 tầng nổi trong khuôn viên diện tích hơn 1.000 m2. Riêng tầng 1 gồm 2 sảnh, sảnh lớn ở phía phố Tràng Tiền chuyên trưng bày và quảng cáo, sảnh nhỏ ở phố Đinh Lễ là khu quản lý. Sân khấu và phòng khán giả với hệ thống 515 ghế ngồi nhập ngoại được thiết kế bậc cấp, tạo tầm nhìn thuận lợi.
3. Cung Trí Thức
Cung Trí Thức mang phong cách hiện đại (Ảnh: TT&VH) |
Hà Nội đã có Cung Văn hóa, Cung Thiếu nhi, Cung Thể thao Thanh niên... và giờ đây có thêm Cung Trí Thức.
Sau 6 năm thực hiện, Cung Trí Thức đã hoàn thành với 2 khối nhà (13 tầng và 3 tầng) tổng diện tích sàn gần 16.000m2, tổng vốn đầu tư hơn 202 tỷ đồng. Cung có nhiều không gian chức năng như phòng trưng bày truyền thống, hội thảo, hội trường, khu làm việc... bảo đảm chỗ làm việc cho khoảng 1.500 người.
Đây sẽ là trụ sở làm việc của Hội Văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP. Hà Nội, một số hội nghề nghiệp của thành phố, là nơi sinh hoạt văn hóa của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Hà Nội. Được thể hiện với phong cách kiến trúc hiện đại, thủ pháp sử dụng kết hợp các mảng tường đặc với diện tích kính lớn theo các phân vị ngang dọc, tạo cho Cung Trí Thức có tỷ lệ hợp lý, mang đặc trưng của thể loại văn phòng sang trọng. Khối công trình chính 15 tầng có mặt bằng dạng elip, khối hội trường có dạng hình tròn.
4. Tượng đài Thánh Gióng
Tượng đài Thánh Gióng (Ảnh: Lao Động) |
Tượng đài đặt trên đỉnh núi Ðá Chồng của khu du lịch tâm linh Ðền Sóc - Chùa Non thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn.
Mẫu tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân sáng tác, mô phỏng hình ảnh Ðức Thánh Gióng tay mang bụi tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Tượng đài Thánh Gióng được thực hiện bằng phương pháp đúc thủ công truyền thống do nghệ nhân bàn tay vàng Vũ Duy Thuấn đảm nhận. Đến ngày 26-9, công trình đã chính thức hoàn thành với các nghi lễ yên vị khai quang, sẵn sàng chuẩn bị cho sự kiện đón mừng Thủ đô nghìn năm tuổi. Đến nay, tượng đài Thánh Gióng bằng đồng cao 11,7m, có độ vươn tới 20m, nặng 85 tấn đã chính thức trụ vững giữa đất trời trên đỉnh núi Đá Chồng, cao 297m so với mực nước biển.
5. Công viên Hòa Bình
Công viên Hòa Bình (Ảnh: TT&VH) |
Công viên Hòa bình - biểu tượng của Hà Nội, thành phố hòa bình, có diện tích hơn 20 ha với tổng mức đầu tư khoảng 282 tỷ đồng. Công viên bao gồm nhiều hạng mục, trong đó điểm nhấn là tượng đài Hòa Bình bằng đồng nặng khoảng 20 tấn, cao 7,2m đặt trên đế cao 22,8m.
Công viên có hồ điều hòa diện tích 5,5 ha. Diện tích đất dành cho cây xanh khoảng 6,8 ha (gồm hơn 2.000 cây bóng mát và các loại cây tiểu cảnh), Quảng trường phía Bắc diện tích 0,5 ha, Quảng trường phía Nam 2,8 ha, đất sân đường giao thông khoảng 3ha.
6. Bảo tàng Hà Nội
Bảo tàng Hà Nội (Ảnh: TT&VH) |
Một công trình bảo tàng lớn nhất nước với kiến trúc được thiết kế theo hình Kim tự tháp ngược, giật cấp với 4 tầng nổi và 2 tầng hầm sau hơn 2 năm thi công đã chính thức khánh thành. Phần “ruột” của bảo tàng là khu trưng bày liên hoàn, kết nối từ tầng 1 đến tầng 4. Hiện nay, khoảng 2 vạn hiện vật của Hà Nội và các nhà sưu tập tư nhân đã được trưng bày tại bảo tàng.
7. Nhà hát Cung Xuân
Nhà hát Cung Xuân (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Nhà hát ngoài trời đầu tiên của Hà Nội được thiết kế theo hình rẽ quạt này là một tổ hợp bao gồm sân khấu trình diễn nghệ thuật, hội họa, vui chơi giải trí, dịch vụ đa chức năng... Riêng sân khấu ngoài trời có mái che di động với sức chứa 1.500 người, ngoài ra có hệ thống đài phun nước, nhạc nước và trình diễn đèn laser... Công trình có tổng diện tích sử dụng hơn 10.000m2, được xây dựng trên khu đất hơn 7.000m2 với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng.
Điểm nhấn nữa của Nhà hát này là đài phun nước và hệ thống nhạc nước. Các chuyên gia thiết kế đẳng cấp thế giới đã đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết và công sức để thể hiện sự hòa quyện tuyệt hảo của nước với âm thanh và ánh sáng nhằm gây ấn tượng khó quên đối với người xem.
8. Rạp Đại Nam
Rạp Đại Nam (Ảnh: HNM) |
Với tổng mức đầu tư kinh phí là 96 tỷ đồng, rạp Đại Nam mới khánh thành trở thành nhà hát chèo hiện đại nhất VN. Đúng dịp Đại lễ, toàn bộ công trình đã hoàn thành với quy mô 5 tầng nổi và 2 tầng hầm, trong đó có phòng biểu diễn đa năng gồm 409 chỗ ngồi, khu dịch vụ đa năng, sảnh đón tiếp kết hợp trưng bày...
Ý kiến bạn đọc