Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa tên đường

08:02, 18/12/2010

Bất kỳ một đô thị nào, việc quy hoạch và xây dựng nên nó không những phải tuân thủ theo đặc trưng địa lý, cảnh quan, lịch sử, văn hóa vốn có ở mỗi vùng mà ngay cả chuyện đặt tên đường phố cũng không xa rời nguyên tắc ấy. Hay nói đúng hơn là phải “ưu tiên” cho những đặc trưng trên nhằm khơi gợi lên những giá trị văn hóa đô thị có tính chất đặc thù. Ví như Đà Lạt, xứ sở của sương mù và ngàn hoa đã làm nên danh tiếng cho đô thị này. Vì thế đã có một thời gian dài trước đây, người ta lấy tên một số loài hoa tiêu biểu để đặt tên cho các đường phố: Đường Phượng tím, Mimoda, Anh đào, Hoa hồng... và cư dân ở đó, đến nay nhiều người vẫn gọi như thế, dù những con đường kia đã đổi tên thành Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai, hay 30-4... Thành phố Huế cũng vậy, một thời cũng có tên đường Phượng bay, Áo trắng... và những cái tên đó đã đọng lại trong ký ức của bao người. Tại sao vậy? Suy cho cùng, bởi bản thân những tên đường ấy là “tín chỉ” văn hóa mà con người cùng với đời sống ở đó đã kiến tạo nên.

Với thành phố Buôn Ma Thuột, nhiều người cũng đã từng “nhàn đàm” rằng, sao không có những tên đường như Kơnia, Đam San, Dã quỳ... vốn là hình ảnh tiêu biểu của mảnh đất và con người trên cao nguyên Dak Lak này. Đặt tên cho đường phố không phải tên nào cũng được, mà nên hướng đến sự thân thiết và sức lan tỏa của các yếu tố văn hóa được xác lập từ mỗi vùng, miền. Vui thay, ý tưởng trên cũng được sắp sửa trở thành hiện thực, khi đề án đổi, đặt mới tên đường phố cho thành phố Buôn Ma Thuột (đợt 3) được các cấp có thẩm quyền vừa thông qua, trong 60 tên đường có một con đường mang tên Đam San - một sử thi nổi tiếng của dân tộc Êđê được nhà dân tộc học người Pháp – Sabachiê sưu tầm và xuất bản bằng tiếng Pháp tại Paris từ năm 1927. Mong rằng những con đường mang hình ảnh văn hóa và bản sắc tương tự sẽ lần lượt xuất hiện ngày càng nhiều ở thành phố Buôn Ma Thuột.

Đình Đình


Ý kiến bạn đọc