Multimedia Đọc Báo in

Thầy giáo làng

16:17, 16/01/2011

Thuở tôi còn học cấp 3 ở trường huyện, trong số những người bạn thân yêu của tôi có một cô bạn tính tình hiền lành, nhút nhát. Với gia cảnh không khá giả nhưng bạn tôi đã chăm chỉ học tập và thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm năm 1984, hiện đang là giáo viên môn Hóa tại một Trường THCS ở huyện Krông Buk.

Nhưng trong bài viết này, tôi không có ý nói nhiều về cô bạn mà là chồng cô ấy. Chồng của bạn tôi là một anh nông dân thứ thiệt, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề khiến anh phải bỏ dở việc học khi đang học lớp 9.

Lập gia đình rồi, anh tiếp tục với công việc nhà nông: trồng cà phê, hoa màu; nuôi lợn, nấu rượu… kiếm thêm thu nhập để cùng vợ lo cho con cái. Khi con gái lớn học lớp 6, thấy con học yếu về môn toán, anh quyết định tự học để có kiến thức dạy thêm cho con. Sau một ngày lao động cật lực, tối đến anh vừa trông chừng nồi rượu vừa tranh thủ đọc sách, ôn lại kiến thức toán cấp trung học cơ sở. Do đã lâu không động đến bài vở và tuổi cũng đã lớn, anh phải vật lộn với từng con số, phương trình, đẳng thức… việc học lại thật vất vả. Dù vậy, anh vẫn không nản chí, cùng học toán với con theo từng lớp của cấp học: lớp 6, rồi lớp 7, lớp 8, lớp 9. Ngày qua ngày, anh dày công học hỏi tìm tòi, giảng giải những bài toán khó, bù đắp lỗ hổng kiến thức cho con. Nhờ vậy, con gái anh học khá dần môn Toán, đến nay đã trở thành sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, con trai anh cũng đã học lớp 12.

Ban đầu chỉ có ý định giúp con, dần dần anh kèm luôn một nhóm bạn của con. Do anh dạy tốt, tiếng lành đồn xa nhiều phụ huynh học sinh đến nhờ anh phụ đạo thêm cho con mình. Thế là anh mở lớp dạy ở nhà cho lũ trẻ trong vùng. Anh gửi vào lớp học tất cả kiến thức trong sách vở, tình thương yêu, sự hiểu biết và cả những thăng trầm trong cuộc sống… Hằng năm, gia đình anh trích ra một khoản tiền để mua thêm sách, nối mạng Internet để tham khảo, cập nhật thông tin mới, chương trình cải cách để nâng cao chất lượng dạy học.

Những năm gần đây, cô bạn tôi ốm đau nhiều, con cái lớn lên chi tiêu tốn kém, gánh nặng gia đình dồn lên vai anh. Anh vẫn tiếp tục vừa làm nương rẫy vừa cần mẫn duy trì các lớp học của mình, không nhận tiền thù lao của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em trong số học sinh theo học thầy giáo làng ấy đã trở thành con ngoan, đạt thành tích học tập khá, giỏi môn toán ở trường. Ngoài dạy học, người thầy giáo làng ấy còn tham gia công tác tại Hội Chữ thập đỏ của phường.

 

Trương Thị Mỹ Thu

 


Ý kiến bạn đọc