Multimedia Đọc Báo in

Thêm món ăn cho ngày Tết

10:51, 28/01/2011

Được thiên nhiên ưu đãi huyện Lak trở thành điểm du lịch khá nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhưng có lẽ mọi người biết nhiều về vùng đất, con người nơi đây bởi các sản vật phong phú, đa dạng được sản sinh từ hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam.

Sáng sớm, trời huyện Lak khá lạnh. Không khí mua sắm tại chợ trung tâm thị trấn Liên Sơn cũng bắt đầu nhộn nhịp, hối hả khi Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc chỉ còn tính bằng ngày. Nơi góc chợ bán hàng tươi sống, tiếng người mua, người bán í ới gọi nhau lựa chọn, cân hàng do những tay lưới sau một đêm đánh bắt ở hồ Lak ra bỏ mối. Chị Lê Thị Hai - người làm chả rắn nước, chả cá thác lác, cá lóc khô nổi tiếng ở huyện Lak nhanh tay chọn những con cá thác lác, cá lóc sống lên cân và xếp chúng vào thùng đá. Sau đó, sang sạp của các chủ cá khác gom hàng.

 

Cá luôn là món ăn được ưa chuộng, nhất là trong những ngày Tết


Căn nhà nhỏ số 10/16, thôn 2, thị trấn Liên Sơn của chị Hai những ngày này luôn vang lên những âm thanh thình thịch, cành cạch bằm hành, tỏi, xả và tiếng chày cối quết cá. Người dân trong xóm đã quá quen thuộc với âm thanh này bởi nghề làm chả rắn nước, chả cá thác lác đã theo người phụ nữ gốc Huế dáng người nhỏ nhắn này gần 35 năm. Với chất giọng Huế hơi lai chị Hai nói: “Nghề ni cực lắm! Vài năm về trước, khi lượng cá thác lác đánh bắt còn nhiều mỗi ngày có thể mua được vài chục kg, còn bây giờ mặc dù đã đặt hàng các tay lưới chuyên nghiệp và phải đi gom hàng ở chợ cũng chỉ được 3-5 kg cá. Có những ngư dân, sau một đêm đánh bắt vất vả chỉ có vài, ba con cá thác lác dính lưới”.

 

Chị Hai đang chọn những con cá lóc có trọng lượng khoảng 2-3 lạng để về làm  cá khô


Cá thác lác sau khi mua về được cắt bỏ đầu, lòng, rửa sạch phơi ráo, sau đó, chẻ đôi và dùng muỗng nạo phần thịt. Muốn thực hiện dễ công đoạn này, cá bắt buộc phải được ướp đá trước khi làm. Thịt cá sau khi được bào mỏng, ướp gia vị gồm hành, tỏi, bột nêm được cho vào cối đá quết nhuyễn. Đây là phần “nhọc nhằn” nhất của làm chả cá, đòi hỏi phải có sức khỏe và sự cần mẫn. Chả cá ngon, dai, thơm phụ thuộc rất lớn vào việc quết. Cứ như  thế, cá được quết cho đến khi giở chày không lên và dùng tay kéo vẫn còn dính chặt mới đạt yêu cầu. Tuy nhiên, chả cá ngon còn phụ thuộc vào loại cá đựơc đánh bắt từ tự nhiên, còn nếu cá nuôi thì dẫu có chế biến thế nào cũng không ngon bằng, chị Lê Thị Lụa, người cùng làm cá với chị Hai cho biết.

 

 Cá thác lác đã trở thành đặc sản của huyện Lak


Cùng với thời gian, nguồn cá thác lác từ thiên nhiên cũng hiếm dần đi, việc làm chả cá thu hẹp và người theo nghề ngoài chị Hai duy nhất còn có thêm một người hàng xóm. Những ngày giáp tết chủ yếu là làm cá lóc khô. Cá lóc làm khô chỉ chọn những con cỡ khoảng 2-3 lạng, chẻ đôi, loại bỏ toàn bộ xương, ướp gia vị và phơi nắng. Hiện nay, người tiêu dùng rất ưa chọn cá lóc khô, nhất là mỗi khi Tết đến Xuân về. Trước đây, người huyện Lak thường làm quà cho bạn bè, người thân vài kg ốc bươu, hay cá lóc đồng, thì hiện nay họ biếu nhau chả cá thác lác và cá lóc phơi khô.
Thịt cá thác lác dẻo, chắc, có hương vị đặc trưng là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, thơm ngon. Trong cái se lạnh, gia đình, bạn bè quây quần bên nồi lẩu cá thác lác hoặc chả cá thác lác hấp, chiên vàng, cuốn kèm với lá thì là, rau cải xanh cùng chén nước mắm chanh, đường sẽ tăng thêm hương vị cho ngày Tết.


Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc