Multimedia Đọc Báo in

Xin phép... được phản biện

09:42, 01/09/2011

Theo từ điển Wikipedia, "Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgic đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm". Phản biện không có nghĩa là phản đối, phản bác một chiều mà  phải dựa trên những cơ sở khoa học, trên tinh thần xây dựng để góp phần hoàn thiện vấn đề được đưa ra bàn luận. Như vậy, có thể khẳng định phản biện là một nhu cầu của sự phát triển vì qua đó sẽ loại bỏ được những yếu tố bất hợp lý để tiệm cận với sự hợp lý. Nhà quản lý muốn đưa ra một quyết sách đúng, tránh được sự phiến diện, hời hợt thì phải biết lắng nghe sự phản biện.

Ở một góc độ khác, sự phản biện thường đưa ra những ý kiến trái chiều, lật lại vấn đề nên nhiều khi cũng “nghịch nhĩ” khó nghe. Thông thường, người được góp ý, nghe phản biện là nhà quản lý, cấp lãnh đạo và không phải ai cũng dễ chịu khi nghe những điều trái ý mình. Có người vừa nghe cấp dưới nói khác liền gạt phắt đi, “cả vú lấp miệng em”, thậm chí chụp mũ này mũ kia, lập trường quan điểm có vấn đề... Và như thế người phản biện hoặc không dám hoặc chẳng muốn phản biện nữa. Cũng có người chọn cách nói theo kiểu lựa lời, đón ý cấp trên, rón rén “xin phép được phản biện” đôi ba điều chung chung, vô thưởng vô phạt. Như thế thì còn gì là phản biện, có chăng là sự nói dựa, a dua mà thôi.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Hội đồng lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2006 - 2010, đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư có nói: "Dân chủ trong thảo luận, tranh luận khoa học sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra. Nếu không có dân chủ trong thảo luận, tranh luận thì khoa học không thể phát triển”. Và vì vậy, phản biện theo kiểu... xin phép được phản biện như đã nói ở trên  thì cũng khó lòng mà góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách được và cũng chẳng đóng góp được gì vào sự phát triển chung của xã hội. Thậm chí còn góp phần tạo ra sự đồng thuận giả tạo không phải không có trong cuộc sống hiện nay.

Trương Thị Hiền

Ý kiến bạn đọc