Multimedia Đọc Báo in

“Kiếm tiền là năng lực, tiêu tiền là văn hóa”

08:31, 31/03/2012

Trong xã hội hiện nay, người ta đã đề cập nhiều đến tiền bạc, không như trước, nói đến chuyện tiền nong thường có tâm lý ngại ngần vì sợ nó “tầm thường” con người đi. Tuy thế, quan niệm về đồng tiền trong xã hội cũng rất khác nhau. Có người coi tiền là mục tiêu nhưng cũng có người coi đó chỉ là phương tiện; có người thờ phụng tiền bạc thì cũng có người nhạo báng đồng tiền... Dù là thế nào đi nữa, đồng tiền vẫn có lý do tồn tại bởi nó là vật trao đổi.

Chúng ta từng chứng kiến sự giàu lên nhanh chóng đến mức ngỡ ngàng của một “nhóm xã hội”. Sự giàu lên nhanh chóng ấy có thể do nhiều nguyên nhân: năng lực cá nhân, lợi thế nguồn gốc xuất thân, cơ may,… Thậm chí, có những người giàu nhờ những hành vi bất chính như: tham nhũng, lừa đảo, buôn lậu, làm hàng giả,… Kỳ thị hay sùng bái người giàu đều là biểu hiện của thái độ cực đoan.

Kiếm tiền nhờ năng lực cá nhân là cách kiếm tiền  “bền vững” và cần được khuyến khích. Sự khác biệt về thu nhập dựa vào năng lực cá  nhân tạo tính cạnh tranh trong xã hội, tạo động lực cho sự phát triển xã hội. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, người ta không còn nhìn người “giàu có” với cái nhìn thiếu thiện cảm nữa, cũng ít ai phát biểu “Tiền không là gì cả!” Con người phải biết làm giàu, làm giàu là một năng lực.

Nhưng liệu có phải tiền của mình, mình muốn chi tiêu thế nào cũng được? Cá nhân sống trong cộng đồng, tiếp thu hệ thống chuẩn mực của cộng đồng và cố gắng tuân thủ chuẩn mực xã hội của cộng đồng đó. Có những hành vi không vi phạm pháp luật nhưng lại vi phạm các chuẩn mực đạo đức, phong tục tập quán, lề thói ứng xử của cộng đồng. Vì vậy những hành vi đó tuy không bị trừng phạt bởi pháp luật nhưng vẫn có thể bị dư luận xã hội lên án, chỉ trích. Vì sao xã hội ngày nay có những người ăn tiêu xa xỉ, được xếp vào lớp người có mức sống cao nhưng vẫn không được xã hội tôn trọng? Phải chăng vì cách tiêu tiền của họ không hợp với chuẩn mực chung của cộng đồng mà nguyên nhân là do “giá trị văn hóa nhóm” của họ đang đối lập với những “giá trị văn hóa chung”. Sự xa xỉ, hoang phí trong một xã hội còn nhiều khó khăn rất dễ trở thành lố bịch và bị lên án bởi dư luận.

Ý kiến của nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc “Kiếm tiền là năng lực, tiêu tiền là văn hóa” được nhiều người ủng hộ trong bối cảnh dư luận đang bức xúc với những cách tiêu tiền “không giống ai” của những người được giới truyền thông gọi là “đại gia”. Qua đó, chúng ta cũng có thể hiểu ngược lại cách tiêu tiền thiếu văn hóa do sự giàu có không dựa trên năng lực của chính mình. Dù sao, kiếm tiền ở phương diện nào đó cũng là vất vả nên khi có tiền rồi đừng tự biến mình thành những “gã trọc phú”, “trưởng giả học làm sang”, những người vô cảm trong sự nhìn nhận và đánh giá của cộng đồng.

Trương Thị Hiền 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Canh chua cá ngát
09:05, 30/03/2012
Canh chua cá ngát
09:05, 30/03/2012
Trong quán nhậu
22:29, 23/03/2012
Trong quán nhậu
22:29, 23/03/2012