Multimedia Đọc Báo in

Nhớ món cá đồng kho lá nghệ

09:50, 25/05/2012

Quê tôi là nơi thấp lụt ở vùng hạ lưu sông Túy Loan thuộc huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Cứ mưa lớn  khoảng vài ba ngày thì nước từ thượng nguồn đổ về chảy qua những bàu, ao, hồ dâng trắng xóa cánh đồng. Nhiều  loại cá ức nước bơi ngược dòng để “ngao du” hoặc đẻ trứng. Loài cá con (cá nhỏ) gồm có cá lát, cá rô hạt bí, cá cấn, cá mại… với sức vóc của mình, cũng ức nước men theo các vịnh nhỏ gần bờ. Lúc bấy giờ, người ta “mang tơi đội nón” mang tủ ra để bắt cá,  gọi nôm na là “đứng tủ”.

Cái tủ gồm có 3 bộ phận chính: lưới, gọng và sào chống. Hai cái gọng được vót bằng tre đực rắn chắc, dài khoảng 3 – 4 mét, bề dày lớn hơn 2 ngón tay người lớn, vót xong mang ngâm dưới bùn 1 tháng cho “chín”, sau này mối mọt không ăn, sử dụng lâu dài. Diện tích tấm lưới tủ cũng tùy theo sức khỏe, sở thích người sử dụng. Lưới bằng nylon, như lưới mùng màu xanh, khi kéo nước thoát ra lỗ lưới chậm nên kéo lâu, chỉ bắt được cá con, cá lớn nghe động, phóng ra khỏi lưới ngay. Ngoài ra, có một cây sào bằng bắp tay, dài khoảng 4 mét, đầu sào nối với một sợi dây dừa hay nilon để người đứng trên bờ nắm kéo. Khi nước lớn dần, mang tủ ra các vịnh nước chảy vòng, chọn vị trí thuận tiện, lắp 4 góc mảnh lưới vào hai đầu cây gọng bắt ngang hình chữ X, ngay ngã tư cộng gọng, có buộc một sợi dây chắc nối lên cây sào. Thả tủ hoặc lưới xuống nước khoảng 5 – 7 phút rồi kéo lên, khi có cá dùng một cái gáo dừa có cán, hoặc cái bát, cái ca nhựa để xúc cá con đổ vào xô. Có một người “anh em” với cái tủ là cái rớ. Rớ có mắt lưới lớn, hình vuông có cạnh khoảng 1,5 cm, được đan bằng sợi nên có màu nâu hoặc vàng. Nhờ có mắc lưới lớn nên khi kéo rớ, nước thoát nhanh, cá nhảy không kịp, nên “đứng rớ” bắt được cá lớn hơn như cá tràu (cá lóc), cá trê, cá rô, cá diếc… Trong các dụng cụ đánh bắt cá như cái lờ, tay lưới, cái đó, cần câu… thì cái tủ, cái rớ bắt cá rất thú vị, mỗi lần kéo gọng lên là mỗi lần hồi hộp, không biết con cá quẫy trong lưới là cá gì, to hay nhỏ.

Trên bờ cống, mương thoát nước bên cánh đồng làng, người già, trẻ con cùng thả rớ hoặc tủ, vừa kéo vừa trò chuyện. Nhiều lúc, khi đang kéo gọng lên, cá bị động, nhảy tứ tán, nhiều khi cá từ rớ này nhảy qua rớ khác (nhất là cá tràu), may nhờ rủi chịu. Kéo tủ hay kéo rớ rất vui và  hào hứng nên thu hút nhiều người đến xem, nhất là lũ trẻ. Vào khoảng xế chiều, mọi người mới thu xếp gọng, lưới và mang cá về nhà.

Không gì bằng một bữa cơm gạo quê sốt dẻo, ăn với món cá rô nướng giòn tan hơi chay cháy, dầm với nước mắm Nam Ô, tỏi gừng; món cá tràu nấu canh chuối chát và rau hổ điếc có hương vị rất quyến rũ, canh nóng bốc khói thơm lừng, ngọt ngào, vừa chan vừa húp. Đặc biệt, mớ cá con mang nặn bỏ ruột (các con hơi lớn), rửa sạch để ráo nước, cho  các thứ gia vị như tiêu, củ nghệ tươi giã dập, nước mắm ngon, muối, bột ngọt, ớt , lá gừng, lá nghệ tươi non thái nhỏ vào trộn đều rồi ướp cho thật thấm. Sau đó đổ thêm vào một ít nước vừa ngập cá và đun  nhỏ lửa cho đến khi cá sôi thì chế vào một muỗng dầu phộng và tiếp tục đun nhỏ lửa cho tới khi cạn nước, sém cháy. Lúc này nồi cá đồng kho bốc hơi, sực nức thơm tho, hấp dẫn với những cái bụng đói cồn cào vì lội nước.

Tuổi thơ của tôi qua bao mùa lũ lụt của quê nghèo miền Trung đầy nắng gió, thiên tai lũ lụt. Ngày nay, mỗi lần đi ngang qua cánh đồng loang loáng nước, nhìn những người dân quê “đứng tủ” và cả hương vị món cá con đồng kho lá nghệ, lá gừng lại gợi trong tôi nỗi nhớ về những tháng ngày xưa năm cũ, cả nhà quây quần trong mái tranh nghèo với mùi ngai ngái của khói bếp chiều hòa quyện với hương vị món cá con đồng kho lá nghệ của mẹ...

Tiên Sa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.