"Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng"
“Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng” là một trong những thông điệp trong Tháng hành động vì trẻ em. Ngữ nghĩa, thông điệp rất rõ ràng, tác động mạnh, tức thì với người đọc. Nhưng để hiểu cặn kẽ và có những hành động phù hợp mang đến cho trẻ những gì tốt đẹp nhất lại không dễ dàng.
Có lẽ nhiều thế hệ người Việt Nam đã quá quen thuộc với lối dạy con “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” vì “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” và vì vậy, “người roi, voi búa” được xem là hiển nhiên. Trước tình trạng trẻ dường như có xu hướng cãi lại cha mẹ, người lớn nhiều hơn, thậm chí tỏ thái độ khinh thường, bất cần lời dạy dỗ từ cha mẹ, nhiều bậc phụ huynh hoài nghi về phương pháp “dạy con không cần đòn roi” và đặt niềm tin vào phương pháp sử dụng “roi vọt” trong dạy con, bởi họ hy vọng rằng, trẻ sẽ “nhớ đời” mà “chừa” khi nghĩ đến những trận đòn đau.
Quả thật, trong thực tế, bạo lực nói chung và đòn roi nói riêng nhiều khi rất hiệu quả, có sức mạnh trực tiếp, ngay lập tức nên được không ít người sử dụng trong việc dạy con. Nhưng có một thực tế khác cho thấy, những trẻ lớn lên trong đòn roi thường ngỗ ngược và có xu hướng sử dụng bạo lực với những kẻ yếu hơn mình. Trẻ chứng kiến bạo lực hằng ngày đến một mức nào đó chúng sẽ cho rằng bạo lực là cách thức duy nhất, nhanh nhất để giải quyết mâu thuẫn và đạt mục đích cũng như thể hiện sức mạnh của bản thân. Hơn nữa, bạo lực chỉ dùng để trừng phạt nên khi đã nhờn đòn, trẻ thường tỏ ra bất cần trước sự dạy bảo của cha mẹ. Về mặt lý thuyết, sự phản tác dụng của bạo lực rất lớn và quyền lực có nguồn gốc từ bạo lực mang phẩm chất rất thấp. Do vậy, trong dạy con, roi vọt không đi cùng tình thương hiếm khi làm trẻ nên người.
Tuy vậy, thế nào là yêu thương con lại là vấn đề cần xem xét. Như đã đề cập ở trên, lối dạy con bằng roi vọt vẫn được nhiều phụ huynh cho rằng là cần thiết và đương nhiên vì có “thương” mới “cho roi cho vọt”. Với quan niệm để con nên người, nhiều bậc cha mẹ đã “dạy con từ thuở còn thơ” bằng “roi vọt” ngay khi con phạm những lỗi nhỏ. Ngược lại, có những bậc cha mẹ lại nuông chiều con quá mức, con muốn gì được nấy, chăm bẵm từng li từng tí, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Họ sẵn sàng đáp ứng bất kỳ nhu cầu nào của con vì quan niệm tiền bạc, của cải làm ra là để cho con hưởng thụ. Thậm chí, vì yêu con, nhiều bậc cha mẹ không hướng cho con tham gia những công việc gia đình như dọn nhà, nấu cơm, chăm sóc người thân,...Những cách “yêu thương” như vậy cũng khó làm cho trẻ “nên người” được.
Như vậy, điều quan trọng đối với các bậc cha mẹ trong dạy con có lẽ là cần lắng nghe tâm sự, thấu hiểu những hành động của con mình. Bên cạnh đó, sự nghiêm khắc đúng lúc, đúng chỗ của cha mẹ sẽ làm cho trẻ hiểu ra vấn đề và có ý thức khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Trên hết, cha mẹ nên và phải là tấm gương sáng để cho con mình soi vào. Nêu gương sáng chắc sẽ là cách giáo dục hiệu quả nhất không chỉ trong phạm vi gia đình mà rộng hơn là trong phạm vi xã hội.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc