Multimedia Đọc Báo in

Những địa danh nổi tiếng thế giới

08:56, 14/11/2012

Thế giới quả thật rộng lớn, kỳ vĩ và có rất nhiều cảnh quan ngoạn mục do sự kiến tạo của thiên nhiên hoặc do đôi bàn tay kỳ diệu của con người tạo nên. Sau đây là những địa danh được xem là nổi tiếng và vĩ đại nhất, xứng đáng để con người ngưỡng vọng và thán phục:
Con mắt Sahara

“Richat Structure” (Cấu trúc Richat) hay còn gọi là “Eye of the Sahara” (Con mắt Sahara) hoặc "Guelb er Richat", là một kết cấu địa chất hình elip nổi lên giữa sa mạc Sahara, ở trung tâm phía Tây nước Mauritania, gần khu vực Ouadane.

Nhìn từ trên cao xuống, nó giống như con mắt khổng lồ, với đường kính lên tới 30 dặm. Các khối đá trầm tích tạo nên một lớp vỏ bên ngoài. Tại vị trí trung tâm, “Con mắt của Sahara” được bao phủ bởi một lớp đá vụn với tổng bán kính lên đến 3km.

Trong một thời gian khá dài, đây giống như ngọn hoa tiêu dẫn đường cho các phi hành gia trên quỹ đạo, bởi khi nhìn từ ngoài không gian “Con mắt Sahara” hiện rất rõ trên sa mạc. Trước đây, nhiều giả thiết cho rằng, Richat Structure được tạo ra do tác động của thiên thạch, nhưng giả thuyết này lại không lý giải được tại sao đáy của nó lại bằng phẳng và hoàn toàn không có dấu vết của các loại đá bị tác động xung quanh. Nguyên nhân hình tròn của nó vẫn còn là bí ẩn. 
Hẻm núi Antelope, Mỹ

Hẻm núi Antelope hay hẻm núi Linh Dương (Antelope Canyon) được nhiều người tham quan và chụp ảnh nhất ở Tây Nam Mỹ. Nó nằm ở vùng đất Navajo gần Page, Arizona. Antelope Canyon gồm hai hẻm nhận ánh sáng riêng biệt, là: The Crack và The Corkscrew.

Antelope là phần khe núi nằm phía trên được ánh sang chiếu đẹp lung linh, huyền ảo như trong tranh, đặc biệt vào ngày hè nắng ấm khi mặt trời nhô cao. Phần còn lại của hẻm núi nằm phía dưới được tạo hóa ban tặng một hình thù kỳ bí, giống như đầu linh dương. Hẻm núi này nằm giữa những khối núi đá đồ sộ được gió, nước và thời gian bào nhẵn.

Antelope Canyon là một điểm thu hút các nhà nhiếp ảnh và khách tham quan. Tuy nhiên, việc chụp ảnh trong các hẻm núi này khó khăn do dải phơi sáng rộng (thường + 10 EV) cùng sự phản xạ ánh sáng trên các vách của hẻm núi
Con đường của người khổng lồ, Ireland

Giant's Causeway – “Con đường của người khổng lồ”, nằm ở vùng bờ biển thuộc hạt Altrim, Bắc Ireland, Vương quốc Anh, là một công trình tự nhiên với những cột đá bazan khổng lồ được xếp ngay ngắn cạnh nhau (ước tính có khoảng 40.000 cột). Bờ biển này thu hút rất đông khách du lịch và các nhà nghiên cứu đến đây.

Với diện tích khoảng 3.800 km2, bờ biển có nhiều vịnh và các mũi đất với nền móng dung nham, Altrim là cao nguyên nham thạch lớn nhất còn lại ở châu Âu. Ở các vách đá, chiều cao trung bình của các cột bazan ở Causeway lên đến 100m (từ 30m đến 150m), đường kính khoảng 45cm và mặt cắt của các cột bazan là các đa giác.

Vào thế kỷ 18 đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc hình thành các cột bazan này nhưng các nghiên cứu đã cho rằng chúng đã được hình thành cách đây khoảng 50 đến 60 triệu năm trước bởi các hoạt động phun trào của núi lửa suốt thời kỳ Tertiary. UNESCO đã đưa Giant's Causeway và vùng bờ biển Causeway vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1986.

Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ

Đây là một địa danh lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ, được coi như một kỳ quan thiên nhiên hiếm có. Tên gọi Cappadocia xuất phát từ tên Katpatuka theo tiếng địa phương có nghĩa là “Vùng đất của những con ngựa đẹp”. Cappadocia cũng từng là một trong những trục đường giao thông chính thời cổ đại và là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa.

Khoảng 50 triệu năm trước, địa hình nơi đây chỉ toàn khe nứt và miệng núi lửa. Sau đó, cùng với thời gian, đã có một lượng khổng lồ nham thạch phun trào từ núi lửa phủ kín bề mặt Cappadocia. Núi đá mềm hình thành từ nham thạch phun trào, bị bào mòn bởi gió, mưa và nước sông đã mang lại cho Cappadocia một vẻ đẹp kỳ thú.

Thiên nhiên ở đây gây ấn tượng mạnh cho khách du lịch, đặc biệt là khu vực có địa hình được ví như “bề mặt mặt trăng” xung quanh các thị trấn Urgup, Goreme, Uchisar, Avanos và Mustafapasa. Sở dĩ gọi như vậy vì qua hàng ngàn, hàng triệu năm, sự bào mòn bề mặt đã tạo nên vô số nếp gấp trên bề mặt địa hình đá mềm, đặc biệt là những thung lũng với hằng hà sa số cột đá chóp nhọn như hình ống khói trong truyện cổ tích hay có người còn gọi là “Thung lũng nấm”.

Vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 11), có nhiều hoạt động ngoài trời được ưa thích như bay trên khinh khí cầu ngắm vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo của Cappadocia, đi bộ khám phá, cưỡi ngựa, đi xe máy hoặc đạp xe địa hình khám phá xung quanh thung lũng.
Salar De Uyuni, Bolivia

Salar de Uyuni hay Salar de Tunupa là tên của cánh đồng muối lớn nhất thế giới nằm tại Bolivia. Hồ muối cạn này có diện tích 10582 km² gần dãy Andes với độ cao 3650 mét so với mặt nước biển.
Khoảng 40.000 ngàn năm trước, khu vực này là một phần của Hồ Minchin, một hồ nước mặn khổng lồ. Khi hồ này cạn tạo thành hai hồ hiện nay là Hồ Poopó và Hồ Uru Uru; và hai sa mạc muối lớn là Salar de Coipasa và Uyuni.

Salar Uyuni chứa khoảng 5 tỷ tấn muối, hàng năm người ta khai thác được 25.000 tấn. Vào tháng 11 hằng năm, nơi đây trở thành khu vực cư trú và sinh sản của nhiều loài hồng hạc. Nơi đây cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút khách nhờ vào đặc điểm địa lý đặc biệt. Có những khách sạn muối được xây dựng, các đảo đá trở thành nơi tham quan tương tự như những đảo ngoài biển khơi. Hồ muối chứa khoảng 5 tỷ tấn, hàng năm người ta khai thác được 25.000 tấn.

G.T (Tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.