Răng đen của bà...
Có lẽ đối với các thế hệ trẻ ngày nay ít ai có thể trả lời đầy đủ câu hỏi vì sao ngày xưa các cụ lại có hàm răng đen. Khi những người của thế hệ răng đen đến nay đã về với ông bà gần hết, thì hình ảnh của nguời bà, người mẹ với hàm răng đen bóng đã trở thành một hình ảnh đẹp của ký ức một thời đã qua.
Cụ Lê Thị Ninh quê ở Thanh Hóa, hiện trú tại thôn 6, thị trấn Ea Pôk (huyện Cư M’gar) kể lại, ngày xưa các cụ quan niệm phải “da trắng, răng đen” mới là đẹp, duyên dáng. Chính quan điểm thẩm mỹ này mà các cô gái mới lớn thời ấy cho dù không ăn trầu, vẫn cứ phải nhuộm răng đen. Nếu ai có hàm răng đen thì được xem là đẹp người, đẹp nết. Cụ Ninh kể rất tỷ mỷ về việc nhuộm răng đen của mình: “Khi nhuộm răng, tôi 16 tuổi. Hồi ấy trong làng có người thợ đến nhuộm răng. Tôi cùng gần 10 cô bạn trong xóm rủ nhau đi nhuộm. Chủ nhà trải chiếu cho các cô gái nằm từng hàng, rồi ông thợ đi đến từng người quét phẩm đen lên răng. Sau đó họ đắp miếng thuốc lên trên rồi bắt ngậm miệng suốt đêm và phải nằm im để thuốc nhuộm không bị bong, rơi ra. Trong 7 ngày đầu sau khi nhuộm răng chỉ được nuốt cháo loãng, sau đó 10 ngày mới được ăn cơm”. Cụ Ninh vừa kể chuyện, tay vừa têm trầu, rồi vấn những sợi thuốc lào vo tròn, quét đều lên hàm răng bóng của mình, cụ bảo: “Thuốc lào là để chùi răng, vừa để bảo vệ răng đen bóng và để cho miếng trầu vừa đỏ, vừa mặn nồng hương cau”.
Cụ Đinh Thị Trường năm nay 74 tuổi, là hàng xóm của cụ Ninh cũng nhớ lại lần nhuộm răng của mình: Cụ cũng nhuộm răng năm 15 tuổi. Hồi ấy cụ cùng với nhiều người cùng làng đã đến nhà ông thầy nhuộm răng trên phố huyện để nhuộm răng đen. Trước tiên ông ấy bắt mọi người phải dùng cau khô với than bột và muối để làm vệ sinh răng thật sạch, cho đến khi lấy tay sờ vào răng trơn láng kêu kin kít mới được. Sau đó phải ngậm chanh, súc miệng bằng rượu trắng và nhiều công đoạn nữa (mà bà không nhớ hết) rồi mới được nhuộm răng. Thuốc nhuộm làm bằng bột cánh kiến, cộng với nhựa quả don hái trên rừng và nhiều thứ nữa trộn lẫn vào nhau thành một thứ bột sệt sệt rồi quét lên. Ban đầu quét bằng bột lỏng sau vài lần quét rồi đắp miếng bột đặc. Sau khi nhuộm răng, ông thầy bắt ra chỗ gió lớn há miệng để răng mau khô. Cứ khoảng 2 năm thì nhuộm dặm lại một lần để hàm răng luôn đen bóng và không bị ố.
Còn cụ Nguyễn Thị Hậu 80 tuổi ở thôn Hòa Thành, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) thì phải nhuộm răng để đi buôn bán với người Pháp. Quê cụ ở tỉnh Lào Cai, sống trong thời thuộc Pháp nên cụ hiểu họ không thích người răng đen và cho là xấu. Vì thế, cụ đã nhuộm răng để hòa vào dòng người già, vừa buôn bán vừa tìm kiếm thông tin cho Việt Minh. Tuy vậy cụ vẫn giữ gìn và yêu quý hàm răng đen bóng của mình cho đến tận ngày nay.
Tục nhuộm răng đen có từ thuở xa xưa của cha ông ta, song cũng chính tục ăn trầu là lý do trực tiếp của tục nhuộm răng, bởi nhai trầu thường làm ố đen răng, nên phải nhuộm đen. Theo lời các cụ kể, nhuộm răng đen là một trong những phong tục cổ nhất của người Việt Nam, và bắt đầu mai một kể từ đầu thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng của thời kỳ thuộc Pháp. Tuy nhiên với nhiều người con có bà, có mẹ nhuộm răng đen thì đó là một ấn tượng khó phai mờ về bà, về mẹ của mình. Anh Nguyễn Quang Khánh (thôn 1, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) chẳng thể nào quên được hình ảnh người mẹ quá cố của mình có hàng răng đen óng. Anh kể: “Chẳng biết bà có bộ răng đen từ khi nào. Lớn lên anh đã thấy mẹ mình là người răng đen rồi. Bà giữ gìn bộ răng đen rất kỹ bằng cách xỉa thuốc vào răng và luôn bôi thuốc lào vào răng mỗi khi ăn trầu. Mỗi lần nhà có việc hiếu, hỷ bà đều dùng thuốc để đánh lại hàm răng đen cho mới, cho đẹp. Vì thế mà khi đã ngoài 80 tuổi răng bà vẫn chưa rụng cái nào…”.
Có lẽ chẳng bao lâu nữa hình ảnh những phụ nữ răng đen sẽ chỉ còn trong hoài niệm của một thời. Song từ việc nhuộm răng đen của các cụ cho thấy được quan điểm thẩm mỹ của người con gái Việt Nam xưa. Bộ răng đen ấy quý giá đến mức các bà các cô quan niệm rằng:
Lấy chồng cho xứng tấm chồng
Bõ công trang điểm má hồng, răng đen…
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc