Bến đò
Cái làng bé nhỏ của tôi nằm giữa những con sông. Và mỗi khi đi đâu đó, người trong làng tôi đều phải qua đò, để rồi hình ảnh con đò và người lái đò bỗng trở nên thân thiết với những người đi xa.
Mỗi ngày, ông Hai, người chèo đò, dậy từ rất sớm để chuẩn bị đón những người khách đầu tiên sang sông. Đó chính là những mẹ, những chị đi chợ sớm, người đi mua, người đi bán. Tiếng nói cười xôn xao của các mẹ, các chị xua đi màn sương buổi sớm. Cứ thế ông đã đưa bao người qua sông và đón họ trở về làng bất kể ngày, đêm hay mưa gió, mái chèo vẫn đều đặn khua trên sông không biết mệt mỏi. Dù mỗi bến đò luôn tấp nập khách nhưng vẫn chẳng giúp cuộc sống của người lái đò khá hơn, ông vẫn sống trong căn lều dựng tạm nơi bến đò, dưới gốc đa.
Minh họa: Trà My |
Rồi tôi bỗng trở thành khách qua đò thân thiết của ông Hai chèo đò, cả làng tôi đều gọi ông thân mật như thế. Khi tôi được đi học cấp ba trường huyện tuần nào tôi cũng đi đò của ông ít nhất hai lần, một lần đi và một lần về. Trường huyện cách xa nhà nên tôi phải trọ học, tuần nào tôi cũng về nhà lấy gạo, rau, củ và thực phẩm để ăn trong tuần. Sau vài lần đi lại biết tôi là học sinh trường huyện ông không bao giờ lấy tiền, đã thế ông còn luôn để giành cho tôi vài thứ quà quê, khi thì bắp ngô luộc, khi thì củ khoai nướng hay vài trái ổi cóc nho nhỏ… Mỗi khi đi đò, thế nào tôi và ông cũng chuyện trò rôm rả, ông rất thích tôi kể cho ông nghe chuyện trường lớp. Ông dặn tôi, cố mà học lấy cái chữ con ạ! Suốt ba năm học, tôi đã gắn bó với con đò nhỏ cũ kỹ và ông Hai như người bạn thân thiết.
Lâu lắm tôi mới có dịp trở lại quê. Bến đò không còn mà thay vào đó là một cây cầu mới, người xe qua lại tấp nập. Thấy tôi hỏi ông Hai, mẹ thở dài bảo, suốt đời chèo đò kiếm sống, tuy nghèo khó nhưng ông Hai không ngần ngại hiến mảnh đất của mình để nhà nước xây cầu. Xã bố trí cho ông ở và làm bảo vệ cho ủy ban nhưng hình như ông nhớ sông nước, nhớ bến đò nên năm sau cũng mất.
Thỉnh thoảng trong giấc mơ tiếng khua nước trên sông, tiếng cười hồn hậu của ông Hai, người chở niềm vui, nỗi buồn và cuộc sống làng quê, như gọi tôi trở về quê nhà, nơi từng có một bến đò yêu dấu!
Lương Thị Nguyệt
Ý kiến bạn đọc