Multimedia Đọc Báo in

Tuổi thơ lùng chim

16:44, 27/05/2013

Ngồi cùng với mấy anh bạn trong quán cà phê vườn buổi sáng, nhìn chú chim chích chòe đang nhảy nhót trong lồng, những ký ức trong trẻo về ngày hè theo lũ bạn vào rú (rừng nhỏ, cây cối không quá rậm) bắt chim lại ùa về trong tôi...

Còn nhớ, từ khi là một đứa trẻ lên 10, tôi đã theo lũ bạn để lùng tìm tổ chim. Đây là thú vui của hầu hết trẻ con miền trung du quê tôi hồi đó. Những buổi đi chăn bò, lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng đội chiếc mũ lá rộng vành trông như những cây nấm đi hết rú này qua rú khác đến những lùm cây, bụi rậm lùng chim làm tổ. Hồi đó, những chú chim được thích nhất là chào mào, khướu, họa mi… Có hôm, vì mải mê đi tìm tổ chim, để bò đi ăn lạc đàn, tìm không được, về bị đánh lằn cả mông vẫn không chừa, hôm sau lại tiếp tục. Thích nhất là mấy tháng nghỉ hè, chúng tôi tha hồ đi tìm tổ chim bắt về nuôi. Có khi giữa trưa nắng, trẻ con trong xóm rủ nhau trốn nhà lội bộ mấy cây số vào rú bắt chim. Để tìm được tổ chim, chúng tôi thường đi theo nhóm 2 – 3 đứa, nhìn thật kỹ trên những ngọn cây hoặc để ý những chú chim tha cọng rác làm tổ hay ngậm mồi về chăm con, nơi chú chim sà xuống mà truy tìm tổ của chúng. Có lần mải chạy theo chim mà chân đạp gai tứa máu hoặc vấp ngã dúi dụi. Khi phát hiện được tổ có chim con đã đủ lông cánh thì leo lên cây gỡ cả tổ chia nhau đem về nuôi; còn tổ chim đang có trứng thì đánh dấu bằng cách bẻ một cành cây nhỏ cạnh đó như cảnh báo cho nhóm tìm chim khác biết tổ chim đã có chủ và không đụng vào như một “luật bất thành văn”. Nhóm nào mè nheo, không tuân thủ “luật”, tranh giành tổ chim đã có chủ thì bị ghét và bị các nhóm khác tẩy chay. Những ngày chờ trứng chim nở và chim con lớn, đứa nào cũng thấp thỏm, hồi hộp, và thường xuyên đến kiểm tra xem tổ chim có còn nguyên vẹn không. Có khi trứng chim bị con gì ăn mất để lại tổ trống không, đứa nào mặt mũi cũng ỉu xìu. Thời điểm bắt chim tốt nhất là lúc chim con đã mọc đủ lông nhưng chưa bay được, và đứa nào cũng chọn con thứ 2 (theo kinh nghiệm) vì chim khỏe, khôn, nuôi dễ, không bỏ chủ bay về rừng. Những khi trời mưa liên tục suốt mấy ngày, không thể vào rú nên chim ra ràng, bay đi mất, đứa nào cũng tiếc hùi hụi. Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm nên khi tìm thấy tổ chim, chúng tôi đưa tay vào tổ đếm trứng hoặc chim con, chim mẹ kiếm ăn về phát hiện hơi người bèn tha con đi nơi khác hoặc hút hết trứng, công đi tìm coi như uổng phí.

Mỗi lần bắt được con chim tốt thì mừng như được cho kẹo, nhờ bố đan cho chiếc lồng bằng nứa để nuôi. Có con chim để nuôi như có người bạn tốt, những chú chim được chiều chuộng hết mức, có quả ổi, quả chuối chín nào đều nhường cho nó. Hồi nhỏ, tôi cũng nuôi được con chào mào rất hay. Khi mới bắt về còn yếu và chưa quen xa mẹ nên không chịu ăn, tôi phải lấy hạt lạc tươi giã nát đút cho nó ăn và cho uống nước. Sáng ngủ dậy hay mỗi buổi đi học về đều chạy đến kiểm tra xem chim còn sống hay đã chết. Tranh thủ lúc nghỉ học tôi ra đồng bắt sâu về cho chim ăn. Chú chào mào lớn dần và biết bay, đây là thời điểm tập cho chim quen hơi và theo người. Phải mất một thời gian dài, chim mới chịu theo người, có thể thả cho nó tự bay đi kiếm ăn cả ngày. Chiều tối nào không thấy chim về chuồng thì rất lo lắng, phải đi khắp quanh xóm để tìm vì sợ chim bay mất. Thích nhất là những khi chú chim đang đậu trên mái nhà hoặc cành cây, nghe tiếng huýt sáo của chủ bèn bay xuống đậu trên vai. Nhưng anh chào mào này cũng chỉ gắn bó với tôi được hơn 2 năm thì bị đánh bẫy trong một lần đi kiếm ăn. Khi đó đang học lớp 9, bận rộn với những kỳ thi học sinh giỏi và chuyển cấp, tôi cũng không còn đi tìm chim bắt về nuôi nữa.

Giờ đây, chơi chim, đá chim là thú vui của nhiều người lớn. Trẻ con nông thôn quê tôi bây giờ cũng có nhiều trò chơi mới hấp dẫn nên chẳng có đứa nào thích thú việc vào rú lùng tổ chim bắt về nuôi như trước đây…

Anh Sơn


Ý kiến bạn đọc