Multimedia Đọc Báo in

“Dị vật của làng”

21:39, 13/07/2013

Báo Nhân dân số ra ngày 4-7-2013 có đăng bài “Nhiều nhà văn hóa cộng đồng Tây Nguyên bị bỏ hoang” của tác giả Nguyễn Phương Liên. Theo bài báo thì “những ngôi nhà nhỏ bé bằng xi-măng cốt thép phỏng theo dáng nhà dài truyền thống cũ kỹ nằm trơ trọi giữa bãi đất trống, cỏ dại. Không điện, nước, nhà vệ sinh, hàng rào, cây xanh; không trang thiết bị; nhiều nhà hư hỏng nặng, bỏ hoang”.

Nhà rông Tây Nguyên.     Ảnh: T.L
Nhà rông Tây Nguyên. Ảnh: T.L

Đọc những dòng trên khiến ta nhớ tới nhà văn Nguyên Ngọc, người có nhiều năm gắn bó và rất am hiểu về đất và người Tây Nguyên. Trong tập bút ký “Các bạn tôi ở trên ấy”- Nhà xuất bản Trẻ, 2013 - ông có kể lại một câu chuyện mà theo ông là “một kỷ niệm chẳng lấy gì làm vui”. Chuyện là có một lần ông cùng đoàn làm phim sau khi hoàn tất bộ phim ở một tỉnh của khu vực Tây Nguyên, đoàn đã tặng lại cho làng ngôi nhà rông rất đẹp. Mọi người cứ đinh ninh rằng dân làng sẽ rất vui với kỷ vật này. Sau hơn một năm, ông quay lại làng ấy thì thấy “ngôi nhà rông văn hóa” mà đoàn làm phim của ông tặng ngày nào nay đã hoàn toàn hoang phế. Ông rất buồn, tìm hiểu căn nguyên, mới biết rằng nhà rông là sản phẩm đặc trưng, là linh hồn của làng, mà trước đó làng đã có một ngôi nhà rông rồi. Và như vậy, ngôi nhà mà đoàn làm phim tặng cho làng trở thành “dị vật của làng”. Bởi lẽ “làm sao lại có thể từ bên ngoài cho làng một cái nhà rông?”, không thể đem cho một cái “không thể nào đem cho được”!

Trở lại với bài báo đã dẫn ở trên về nhà văn hóa cộng đồng. Để có được con số 570 nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng trên địa bàn Tây Nguyên là sự quan tâm và nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và đặc biệt là của bà con ở cộng đồng thôn buôn. Theo nhà văn Nguyên Ngọc thì cần phải “hiểu biết chiều sâu văn hóa thâm thúy của những điều tưởng rất bình thường”, có như vậy mới tránh được sự lãng phí công sức và tiền bạc một cách vô ích. Thực tế đã cho ta thấy nhiều “dị vật của làng” như làm chợ nhưng người không đến “họp” nên để bỏ hoang, làm nhà nhưng lại thành chỗ trú ngụ của trâu bò, xây tượng đài thì đứng lạc lõng, ngơ ngác cùng tuế nguyệt... Và còn nhiều nữa những “dị vật” như thế ở nhiều nơi xung quanh chúng ta.

 Làm sao để trong đời sống không còn những “dị vật”? Xin được dẫn lời của nhà văn Nguyên Ngọc để có câu trả lời và cũng để kết thúc câu chuyện ở đây: “ý định tốt chưa là gì cả, nếu không dựa trên những hiểu biết đúng đắn”.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc