Rơm vàng ngày ấy
Chiều cuối tuần, chạy xe máy lông nhông về quê. Ngang qua những cánh đồng ngun ngút khói đốt rơm chiều. Những sợi khói nhẹ, mỏng manh chạm vào lòng tôi một nỗi nhớ...
Những ngọn khói đồng bay lên cao, bảng lảng tan biến vào không khí rồi mất hút làm tôi liên tưởng những ngọn khói ấy sao giống như cuộc đời một con người đến vậy. Tất cả đều hư vô, còn đó rồi mất đó. Và cũng không ai giải thích được vì sao, những ngọn khói chiều ấy, làm da diết lòng người mỗi khi đi xa, và cả những người ở lại nhiều đến vậy.
Minh họa: Trà My |
Ngày ấy, làng quê thật yên bình với những mái nhà tranh lấm tấm vàng. Với những đàn gà bới thóc bên cây rơm sau vườn. Với cánh chuồn chập chờn bên hàng rào gai. Cứ chiều chiều, sau mỗi vụ gặt, từng đống lúa lép được vun vén gọn gàng được mẹ tôi bắt đầu hun khói, ngọn khói lan tỏa ra khắp vườn, bay vào mắt tôi thấy cay sè. Tôi thường ngồi bên đống lửa nhìn đăm đăm từng đợt khói chuyển động theo gió, và nhìn những hạt thóc còn sót nở bung trắng xóa, rồi đen sì trong lửa. Hình ảnh ấy ăn sâu vào ký ức tuổi thơ tôi, mà mãi sau này tôi không còn thường xuyên cùng mẹ nhóm lửa để đốt đồng, để hun lúa lép nữa. Sống ở thành phố với những tiện nghi của thời hiện đại, nhưng tôi thèm được một lần về quê cũng mẹ hun ngọn khói chiều, để được lăn xả vào những đống rơm vàng sau mỗi mùa thu hoạch. Để cùng chúng bạn chơi trò chơi trốn tìm, rồi nhìn nhau khúc khích cười.
Rơm vàng, lúa lép là những thành phẩm cuối cùng của mùa gặt. Tưởng những vật bỏ đi ấy là bình thường, nhưng nó trở nên quan trọng và đi sâu vào cuộc đời của mỗi người. Nó bước vào những câu chuyện văn học đầy ý nghĩa nhân sinh. Từ những thân lúa xanh mướt, qua vài nắng phơi đi phơi lại thì thành rơm vàng. Rơm vàng được chở về nhà và làm nhiều việc khác nhau. Và nhìn qua những cây rơm vàng ấy, mà người ta biết kết quả của mỗi vụ thu hoạch. Những năm được mùa, cây rơm như một cô gái béo phục phịch đứng ngơ ngác trong sân vườn. Còn những năm mất mùa cây rơm “ốm nhom” đăm chiêu đứng giữa vườn, để làm thức ăn cho trâu, bò, và lót ổ cho con lợn nái sắp đẻ.
Rơm vàng đã đi sâu vào nếp sống, nếp văn hóa của người dân quê tôi. Sau mỗi mùa gặt, quê tôi có tục đốt đồng. Mùi ngai ngái của những thân rạ chưa khô cứ ám ảnh tôi suốt một thời. Và tiếng cười giòn tan của mấy đứa bạn ngày ấy, lâu lâu lại ùa về trong tôi. Cứ vào mỗi chiều chạng vạng, chúng tôi thường đạp xe theo bố mẹ lên đồng để đốt ruộng. Và tranh thủ bắt vài con cá để nướng. Mùi cá nướng thơm lừng cứ quyện vào từng đợt khói, bay mãi lên cao rồi mất hút.
Bên những bếp lửa di động, những bếp lửa do chúng tôi tạo ra, đó là mớ rơm khô trên đồng. Từng cái đầu nho nhỏ chụm vào, chúng tôi tha hồ ngửi thấy mùi tóc cháy nắng của nhau. Tha hồ cười khúc khích khi con chuột đồng thành một món nướng thơm lừng, ăn với ngọn quế, với củ khoai lùi. Từng ngọn khói bay bay trong gió, vương lên những mái tóc ngắn dài của chúng tôi. Để sau này dù mỗi đứa mỗi nơi, cái mùi khói ấy, mùi của những mái tóc khét nắng ấy, trở thành mùi của thương của nhớ.
Cây rơm vàng sau vườn cũng là nơi tôi thường ra đó ngồi học bài, và là nơi tôi trốn những lần giận dữ của bố, để ngồi thút thít một mình. Cây rơm vàng ấy cũng là nơi tôi khám phá ra ổ trứng của con gà mái tơ, mà mẹ tôi cứ nghĩ là nó đi đẻ ở đâu. Những quả trứng tròn vo, được cất giấu cẩn thận trong ổ rơm vàng hoe tự tạo của giống gà. Rồi những quả trứng ấy nở thành đàn gà con, chúng tha hồ bới quanh cây rơm vàng tìm những hạt thóc còn sót lại, làm cây rơm vàng không một phút bình yên. Và, chúng làm tôi phải tốn công thường xuyên quét dọn để góc vườn được sạch sẽ hơn.
Mỗi lần có dịp đi xa, nhìn những người đàn bà tảo tần gánh từng gánh rơm về nhà, men theo con đường làng ngoằn nghoèo. Tôi nhớ về mẹ và thương cho mẹ cả đời lam lũ. Từ khi sinh ra đến khi già đi, cả cuộc đời mẹ gắn liền với ruộng đồng, với những vụ mùa đến rồi đi. Màu vàng của những hạt thóc đổi lấy màu xanh của từng con chữ, màu áo trắng cho chúng tôi suốt một thời cắp sách. Và sự lam lũ, khó nhọc cả đời của cha mẹ đổi lại là sự thành công của chúng tôi ngày hôm nay. Những giấc mơ, những câu chuyện về cây rơm vàng, về những ngọn khói chiều cứ theo chúng tôi mãi.
Thanh Trâm
Ý kiến bạn đọc