Chen và chạy
Ở ta, không khó bắt gặp cảnh chen lấn nơi công cộng. Chỉ vài người nhưng khi lên xe cũng chen, xuống xe lại lấn để được đi trước. Việc lên xuống máy bay không dễ chen ngang nhưng người xứ mình vẫn không bỏ được tính vội vàng, lật đật. Máy bay vừa dừng, thậm chí còn chạy chậm trên đường băng, dân ta đã ồn ào đứng lên lấy hành lý, dồn cả ra lối đi, đứng…chờ; trong khi khách nước ngoài, nhất là khách Tây vẫn thản nhiên ngồi đọc sách hay nói chuyện. Nôn nóng thế chứ đâu đã xuống được. Bởi sau khi máy bay dừng, hành khách còn đợi khá lâu để nhà ga lắp cầu thang, đưa xe trung chuyển tới rồi mới mở cửa ra.
Lại nữa, tại các giao lộ, khi đèn đỏ còn vài ba giây nhưng không ít người vẫn cố tình vượt ẩu bởi không đủ kiên nhẫn chờ thêm chốc lát. Vội vàng thế nhưng lắm khi chỉ để kịp ngồi vào bàn nhậu hay uống cà phê tán gẫu với bạn cả buổi sau đó. Người viết từng chứng kiến một tai nạn thương tâm do bất chấp luật giao thông. Khi đèn đỏ vừa xuất hiện, một người đi xe máy dừng lại nhưng liền bị một xe tải từ phía sau lao tới đâm vô, gây tử vong. Giải thích sự cố đau lòng này, người lái xe tải sau đó cho hay, anh ta tưởng người đồng hành xấu số cũng “tranh thủ” vượt đèn đỏ như mình… Chen lấn lắm khi chẳng đem lại ích lợi gì, thậm chí gây tai họa nhưng nó trở thành thói quen khó bỏ với nhiều người. Nhân bàn chuyện chen, tôi nhớ một lần vào bệnh viện thăm người thân, tình cờ đi chung thang máy với mấy bác sĩ toàn người phương Tây. Khi thang máy dừng, người gần cửa vẫn đứng im, có ý nép vào để nhường người đứng phía trong ra trước. Hóa ra, họ “mặc định” rằng người đứng trong có nghĩa là vào trước thì được ra trước. Với tôi, đó là điều lạ, đáng suy ngẫm.
Cũng như chen, “chạy” không còn là hiện tượng cá biệt. Chắc ai cũng từng nghe chạy chức, chạy việc làm, chạy chế độ chính sách, chạy trường, chạy điểm… Suy cho cùng, các kiểu chạy này đều xuất phát từ lòng tham và sự ích kỷ. Với không ít người, cứ cái gì có lợi cho mình là chạy, bất chấp pháp lý đạo lý và hậu quả. Tai hại ở chỗ, điều không bình thường này đang có xu hướng dần trở nên bình thường; người chạy thì được lợi, người không chạy thì thua thiệt. Để chạy có hiệu quả, tất nhiên phải “tiếp sức” bằng những động thái đi kèm, thường là “bồi dưỡng”, “bôi trơn”, “dâng tình”, gian dối… Vậy là, từ cái sai này đẻ ra cái sai khác; hậu quả cũng theo đó mà nhân lên.
Khi chen và chạy lên ngôi thì đạo đức xuống cấp. Đây không còn là điều nhỏ mà là nỗi lo không của riêng ai. Phải đẩy lùi thói hư tật xấu này - thiển nghĩ đó là đòi hỏi và là thách thức đang đặt ra trước xã hội và mỗi người.
Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc