"Giáo dục không thể nôn nóng"
Xin mượn tựa đề này của Giáo sư Hoàng Như Mai - một nhà giáo lão thành, có hơn nửa thế kỷ làm công tác giáo dục - trong cuốn Hồi ức và suy nghĩ về văn hóa giáo dục (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998) để đặt tên cho bài viết lạm bàn đôi điều về giáo dục ngày nay.
Mỗi năm, cứ sắp bước vào năm học mới, câu chuyện về dạy và học lại bắt đầu nóng lên trên các diễn đàn. Chuyện chọn trường, chọn lớp, chọn thầy cô cho con; chuyện đóng góp các loại quỹ tự nguyện, bắt buộc; chuyện đồng phục học sinh… chừng ấy chuyện, năm nào cũng như năm nào, không những không bao giờ cũ mà có vẻ ngày càng “nóng” hơn. Rồi dường như ở đâu chúng ta cũng đang thấy bộc lộ một tâm lý nôn nóng: cha mẹ học sinh nôn nóng để con mình mau giỏi; nhà trường nôn nóng để quảng bá thương hiệu; một số thầy cô giáo nhân dịp này cũng tranh thủ giới thiệu về bản thân… Mọi người đang hối hả để đạt được thành tích, mà theo như Giáo sư Hoàng Như Mai thì “giáo dục không thể nôn nóng”.
Ai cũng biết và thừa nhận giáo dục là quan trọng, là quốc sách hàng đầu. Cho dù mỗi người có sự quan tâm và cách nhìn nhận khác nhau nhưng “chắc chắn không ai phản đối quan niệm này về giáo dục: giáo dục có mục đích đào tạo một công dân tốt và con người tự chủ” (Giáo sư Cao Huy Thuần). Đào tạo công dân, hay nói cách khác là sự nghiệp “trồng người”, “vì lợi ích trăm năm” thì làm sao có thể nôn nóng được.
Muốn có những công dân tốt, nhà trường không thể không dạy cho học trò về luân lý và đạo đức. Mà nền tảng của đạo đức lại nằm trong chính con người chứ không phải ở bên ngoài. Như vậy, hoạt động của cả thầy và trò đều bởi sự thôi thúc của “động lực nội tại”. Tôi làm điều thiện, không phải do mệnh lệnh nào buộc tôi phải làm mà vì tự tôi thấy như vậy là có ích, có lợi cho tôi, cho người khác và cho xã hội. Người giáo viên dạy học, đối xử với học trò vì lương tâm chức nghiệp, vì hứng thú say mê chứ không phải vì trông chờ vào những lời khen và phần thưởng. Học sinh học vì yêu thích môn học, vì nhu cầu tự thân chứ không phải chỉ vì điểm, vì thành tích. Phụ huynh, học sinh “tôn sư” vì giáo viên đã “trọng đạo” chứ không phải “tôn sư” để được yêu quý, để được điểm cao, để khỏi bị đối xử bất công.
Mục đích của giáo dục còn dạy cho con người biết tự chủ. Để trở thành con người tự chủ, cá nhân cần được học cách phát huy khả năng riêng của mình, học cách chung sống với môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội.
Có cảm nhận giáo dục hiện nay dường như đang có xu hướng cổ vũ cho việc hình thành “động lực ngoại lai”: Người ta làm việc cốt để lấy thưởng, lấy thành tích hoặc tránh bị chê trách. Học sinh thì học để có điểm cao, để được khen… Giáo viên thì dạy sao cho đạt chỉ tiêu, thành tích để được tuyên dương…. Nhà trường thì quan tâm làm sao trường lớp khang trang, đẹp đẽ để được công nhận trường chuẩn, động viên phụ huynh may đồng phục đẹp cho học sinh để hình ảnh nhà trường thêm đẹp… Nhiều giáo viên đang lên lớp với tâm thế “thi đua” hơn là với niềm say mê, hứng thú, lý tưởng nghề nghiệp … mà họ đã có trước đó. Hậu quả là bệnh giả dối, quay cóp, chạy trường, chạy điểm… phổ biến trong giáo dục tới mức trở nên bình thường.
Sự coi trọng quá mức “động lực ngoại lai” mà xem nhẹ “động lực nội tại” tất yếu dẫn tới mục đích giáo dục không đạt được: con người tha hóa về đạo đức và đánh mất dần tính tự chủ.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc