Từ một tấm áo...
Tấm áo ấy, là chiếc áo của anh Duy Hậu, PV Báo Nông thôn ngày nay thường trú tại Dak Lak. Anh kể: khi mẹ con bà Pằng được tìm thấy và đưa về trạm y tế xã Ia Jlơi vào sáng ngày 20-9, cháu Đào Thị Thúy lạnh cóng, thân thể bắt đầu tím tái và có dấu hiệu viêm phổi cấp. Trong tình trạng nguy ngập ấy, hầu như mọi người mải lo tập trung vào công việc của mình: Cán bộ thì lo chỉ đạo, lực lượng cứu hộ thì lo tìm kiếm nạn nhân và nhất là cánh nhà báo cứ đua nhau săn tin, chụp ảnh, ghi hình… cho kịp dòng thời sự, mặc cho mẹ con người đàn bà tội nghiệp kia ngồi đó run rẩy! Thấy vậy, lòng chợt trào lên mối cảm thông, và anh đã cởi tấm áo khoác của mình đắp cho đứa bé, đồng thời gọi điện liên hệ với đích thân Chủ tịch huyện Ea Súp - Nguyễn Ngọc Quang đang thị sát gần đó can thiệp để kịp đưa hai mẹ con bà Pằng đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Ea Súp.
Trong câu chuyện này, anh chia sẻ với tôi hai điều: thứ nhất, làm công tác cứu hộ, cứu nạn thì nhất thiết phải có cơ quan y tế theo cùng. Ở đây, vấn đề này dường như không được quan tâm lắm, hoặc không được chuẩn bị trước. Bởi theo anh, những người được tìm thấy và cứu ra khỏi dòng lũ (trong đó có mẹ con bà Pằng) từ sáng sớm ngày 20-9, nhưng đến hơn 17 giờ cùng ngày mới có y, bác sĩ và xe cứu thương có mặt! Thứ hai là cách hành xử của những người có mặt trong lúc hoạn nạn xảy ra, nhất là cánh phóng viên, nhà báo… đâu phải lúc nào cũng chăm chăm cạnh tranh tác nghiệp để có sản phẩm chất lượng cho mình và cho tòa soạn, mà phải hiểu rằng: “sản phẩm” tốt nhất nhiều khi nằm ở cái tình - ấy là biết chia sẻ, quan tâm và đùm bọc nhau trong điều kiện có thể…
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc