Multimedia Đọc Báo in

Cần chú trọng trang bị kỹ năng sống cho trẻ

08:12, 28/09/2013
Những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện ngày càng nhiều thông tin, hình ảnh, video clip ghi lại cảnh học sinh đánh nhau hoặc có những hành động, thái độ cư xử thô lỗ với bạn bè, thầy cô, người thân trong gia đình, thậm chí ngay cả với chính bản thân các em. Không chỉ có tình trạng bạo lực học đường, bạo lực gia đình gia tăng mà việc các em quan hệ tình dục sớm, có thai ngoài ý muốn, nghiện game, sớm làm quen với các chất gây nghiện, tự tử do áp lực học tập, thi cử… cũng ngày càng nhiều hơn và trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như sự giáo dục của gia đình, môi trường sống xã hội, mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang có những tác động tiêu cực đến quá trình phát triển tâm, sinh lý, suy nghĩ và cả hành động của các em. Nhưng có thể nói, nguyên nhân sâu xa nhất là do các em chưa được dạy cách đương đầu với những khó khăn, phức tạp của cuộc sống để hiểu thế nào là giá trị cuộc sống, bởi trên thực tế, việc giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó có kỹ năng sống ở nước ta còn rất hạn chế.. Phần lớn các trường mới chỉ chú trọng dạy kiến thức chứ chưa quan tâm trang bị cho các em những “kỹ năng mềm” như mối quan hệ với con người, với môi trường thiên nhiên; văn hóa giao tiếp, cách tự chăm sóc bản thân, cách xử lý những tình huống có thể nguy hại đến tính mạng… Để  cải thiện dần tình trạng trên, hiện nay các cơ sở giáo dục, các cấp, ngành đã dành nhiều sự quan tâm, xây dựng những chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm trang bị kỹ năng sống cho các em.

Ngay từ bậc học mầm non, thay vì chỉ học múa, hát, học chữ như trước đây thì Chương trình giáo dục mầm non mới đã chú trọng giáo dục các em phát triển theo 120 chỉ số, tăng cường hoạt động góc như “Góc thiên nhiên”, “Góc họa sĩ”, “Góc nghề nghiệp”, “góc gia đình” và các hoạt động ngoài trời… nhằm bồi đắp, phát triển tình cảm, khả năng giao tiếp, quan hệ xã hội của các em. Ở những bậc học cao hơn, học sinh được tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa, các phong trào nhân đạo từ thiện, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa… Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng tổ chức nhiều buổi tư vấn cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tập huấn kỹ năng sống; các đợt hoạt động về nguồn, chương trình đền ơn đáp nghĩa… Thông qua đó, các em tự ý thức và biết cách trân trọng, giữ gìn, phát huy giá trị cuộc sống, giá trị bản thân; có thêm niềm tin vào gia đình, xã hội, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn nảy sinh trong cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn cả chính là sự quan tâm, dạy dỗ, yêu thương, chia sẻ của gia đình đối với mỗi trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho các em phát triển toàn diện; chú trọng giáo dục kỹ năng sống, hướng các em đến giá trị “chân – thiện – mỹ” để trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội. 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.