Văn hóa giao tiếp trong cưới hỏi
Văn hóa giao tiếp trong cưới hỏi bắt đầu từ sự chủ động của người mời khách. Nhịp cầu giữa chủ và khách bao giờ cũng thông qua tấm thiệp cưới. Nếu như trước đây, đám cưới ở làng xã, thiệp mời không được để ý đến, thông thường là người ta đến nhà mời miệng những bà con thân thuộc, số còn lại tùy hỷ vào bà con xóm giềng tự ứng xử lấy. Ngày nay, để phù hợp với sự thuận tiện trong dịch vụ tiệc cưới, từ nông thôn đến thành thị, người ta phải nắm kỹ số lượng để chuẩn bị thực phẩm, do đó tấm thiệp mời như là “giấy thông hành” cần thiết nhất. Vì vậy, khi nhận thiệp mời, bạn phải có quyết định là đi dự tiệc cưới hay không, kẻo sẽ làm cho người mời rơi vào bị động, khó xử. Tôi đã từng chứng kiến nhiều đám cưới “thiệp mời thì ít mà con nít thì nhiều”, do cha mẹ “đèo” con theo, thành ra chỗ ngồi chật chội, ăn uống giữ kẽ nhau thật là mất đi nét đẹp văn hóa trong đám cưới. Ngược lại, cũng có đám cưới mà người được mời tham dự ít hơn sự chuẩn bị quá nhiều, chỉ có gửi quà mừng đến cho chiếu lệ, thành ra người đi dự đám cưới thưa thớt mà thức ăn lại dư thừa quá nhiều, lỗ lời đâu không biết, thấy đám cưới trống vắng mà buồn xo! Cái này biết trách ai đây, chủ hay khách, tôi thấy đằng nào cũng khó. Vì vậy, người mời cũng như người được mời trong đám cưới cần hết sức cân nhắc, quyết định cho đúng đắn, làm ấm lòng nhau trong mối quan hệ thân tình cho dù đám cưới chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi.
Bên cạnh tấm thiệp cưới, món quà mừng cưới cũng thể hiện nét đẹp văn hóa trong giao tiếp ứng xử. Trước đây, quà mừng nhiều khi chỉ bằng hiện vật, quan hệ càng thân tình thường người ta lại không “nỡ” đi tiền, vì ngại người mời cho rằng khách mời lấy tiền ra đo đếm tình cảm. Bây giờ nói ra, nhiều bạn trẻ băn khoăn, khó hiểu, nhưng đó là sự thật. Tôi nhớ ngày đám cưới tôi, một người bạn mua tặng tôi một chiếc radio hiệu Sony để nghe, thích lắm! Tôi sung sướng cảm ơn người bạn thân thiết của đời mình. Đến khi bạn tôi có vợ, tôi lại mua tặng bạn một cái quạt máy - hình như lúc đó giá một trăm nghìn đồng thì phải. Tình bạn chúng tôi trải qua thời gian, hơn bốn chục năm rồi vẫn thắm thiết như xưa. Ngày nay, hầu như người ta không mừng đám cưới bằng hiện vật nữa mà tất cả bằng tiền. Có điều, người đi mừng cũng cần có những thông báo cho chủ khi được mời cả đôi, vật chất đi mừng cần cũng tính toán sao cho phù hợp, thể hiện tấm lòng quý trọng của khách đối với chủ.
Đám cưới là ngày đại hỷ của đôi bạn trẻ. Là người được mời, hẳn dù ít dù nhiều, bạn phải là người quan trọng. Vì vậy, bạn nên ăn mặc sao cho thật chỉn chu và đẹp. Một bộ trang phục sang trọng, duyên dáng là một lời chúc mừng hạnh phúc đến đôi vợ chồng mới cưới, biểu hiện mối thân tình, coi trong tiệc cưới của họ. Lời ăn tiếng nói cũng nên nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ, dù gặp những hoàn cảnh khó chịu, dứt khoát bạn cũng phải từ tốn ứng xử sao cho lịch thiệp, đàng hoàng. “Ăn xem nồi, ngồi xem hướng”, tiệc cưới linh đình, thức ăn dồi dào đủ mọi thứ sang trọng nhưng không phải vì thế mà ta ăn uống thoải mái ồn ào, uống bia rượu cho say ngất ngưởng, điều này sẽ gây ra nhiều tai hại, ảnh hưởng đến gia đình có cặp đôi uyên ương hạnh phúc.
Ứng xử có văn hóa dù bất kì hoàn cảnh nào cũng là điều rất cần thiết đối với mỗi người. Cưới hỏi là một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm nay, vì vậy trong giao tiếp cần luôn thể hiện và giữ gìn được nét đẹp truyền thống ấy, đó cũng chính là góp một phần bé nhỏ của mỗi chúng ta trong tiến trình bảo tồn và phát huy văn hóa Việt.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc