Đừng để lại gì ngoài những dấu chân...
Vui vì Sơn Đoòng được chú ý, mừng vì một cảnh đẹp Việt Nam được nhiều người dân trong nước và cả thế giới biết đến, song không ít người lo ngại rằng rồi đây, với việc mở rộng những tour tuyến du lịch tới Sơn Đoòng, với ngày càng đông khách du lịch tìm đến, sự có mặt và can thiệp của con người liệu có gây nên những tác động xấu tới tuyệt tác thiên nhiên này chăng, như đã từng xảy ra với những địa danh khác?
Những lo lắng này không phải không có cơ sở. Hãy cứ nhìn những bãi biển đẹp ở Nha Trang, Phú Yên, Bình Thuận, Vũng Tàu ngập tràn rác sau mỗi mùa du lịch. Những người tha thiết với môi trường không thể không xót xa khi chứng kiến trong một cánh rừng dương đẹp mê hồn cạnh bờ biển đẹp ở một tỉnh miền Trung vương vãi các loại rác như túi nylon, vỏ chai. Ở Dak Lak, rác cũng “theo” bước chân du khách “đến” những ngọn thác đẹp giữa rừng già như Dray Sap, Dray Nur, Trinh Nữ, Thủy Tiên…, nhất là vào dịp lễ, tết. Những cảnh đẹp càng ở nơi hoang sơ, hẻo lánh, vùng nông thôn khi được khách du lịch biết đến nhiều càng dễ bị ô nhiễm bởi nơi đây hầu như không có hệ thống xử lý rác thải. Sự yếu kém trong ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan còn thể hiện ở chỗ không ít du khách sẵn sàng vượt rào bẻ cây, khắc tên hoặc những lời khiếm nhã trên các bức tường, phiến đá, thân cây... Người dân ở các vùng cao Tây Bắc vốn rất thân thiện, hiếu khách đã phải nổi giận trước những vườn hoa cải, ruộng hoa tam giác mạch, đồi chè bị khách du lịch (đa phần tuổi còn rất trẻ) dẫm nát để chụp ảnh.
Bên cạnh đó, những tác động của con người như: xây dựng các công trình phục vụ du lịch (cáp treo, các khu nghỉ dưỡng...), cải tạo cảnh quan theo hướng bê tông hóa không hòa hợp với thiên nhiên môi trường… cũng góp phần làm cho cảnh đẹp thiên nhiên xấu đi. Mới đây, mặc dù mới phát hiện một hang động tuyệt đẹp tại huyện Quản Bạ song tỉnh Hà Giang đã tạm đóng cửa hang để nghiên cứu, lên các phương án bảo tồn, khai thác du lịch... vì e ngại khai thác du lịch không đúng cách có thể gây tổn hại đến một tuyệt tác thiên nhiên nơi cao nguyên đá này. Có lẽ đó cũng là cách ứng xử hợp lý khi chưa đủ khả năng để làm du lịch một cách bền vững.
Hiện nay, Sơn Đoòng vẫn đang được bảo vệ rất tốt. Du khách đến đây (chủ yếu là khách nước ngoài) đều có ý thức giữ gìn những cảnh quan tự nhiên, kỳ vĩ nơi này. Những nguyên tắc bảo vệ môi trường do những chuyên gia Hội Hang động Hoàng gia Anh chia sẻ được những người làm du lịch tuân thủ nghiêm túc. Mỗi người đến Sơn Đoòng đều mang về rác của mình, chỉ đi theo những lối mòn trong hang để không làm ảnh hưởng đến thảm thực vật, đến những cột nhũ đá mà thiên nhiên phải mất đến hàng triệu năm mới tạo thành... Mong rằng Sơn Đoòng luôn giữ được cách làm du lịch như thế và nhiều nơi nữa cũng cần học tập. Mong rằng du khách mỗi khi đến chiêm ngưỡng, khám phá những cảnh đẹp tự nhiên chỉ mang về những bức ảnh và đừng để lại gì ngoài những dấu chân. Có như vậy, cảnh đẹp tự nhiên mới còn mãi, du lịch mới vững bền...
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc