Multimedia Đọc Báo in

Thông điệp từ Thủ tướng

15:02, 16/05/2015

Tại một hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, để kết luận hội nghị, thay vì những câu từ khô cứng, Thủ tướng đã chia sẻ bằng một câu chuyện mà khiến đại biểu của các bộ, ngành, địa phương đều thấy thấm.

Đó là trong một lần Thủ tướng cùng với một số lãnh đạo các bộ, ngành dùng chuyên cơ đi nước ngoài công tác, do thời gian gấp gáp nên khi máy bay chuẩn bị cất cánh, hỏi ra thì mới biết là vẫn chưa xin phép bay vào không phận của nước bạn. Chuyến bay bắt buộc phải hoãn lại bởi theo quy định, trước khi bay vào không phận nước khác, máy bay phải xin phép nước đó trước khoảng 5 phút nếu không sẽ bị đuổi ra, hoặc nghiêm trọng là có thể bị bắn.

Từ câu chuyện này, Thủ tướng liên hệ ngay đến công tác quản lý tại các ngành, địa phương các cấp. Thủ tướng bảo: “Tuy ở dưới mặt đất nhưng ta vẫn có thể biết được bao nhiêu máy bay đang bay trên bầu trời, thế thì tại sao khi gặp bất cứ vấn đề gì chưa thuận lợi lại đổ thừa là khó quản lý, không quản lý được. Chúng ta quản lý được hết, quan trọng là chúng ta quản lý đến đâu! Đó là một thực tế yếu kém tồn tại trong mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân chưa ai dám thẳng thắn đứng ra chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và Chính phủ”.

Liên hệ đến công tác quản lý trong lĩnh vực xây dựng cơ bản tại Dak Lak, tình trạng xây dựng không theo quy hoạch, quản lý quy hoạch còn yếu kém vẫn còn xảy ra khá phổ biến. Nhiều nguyên nhân được đưa ra khách quan có, chủ quan có nhưng cứ chung chung, không quy trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân cụ thể nào. Vì sao có sự nể nang, né tránh, bỏ qua các trường hợp vi phạm, vì sao cơ chế quản lý chưa nghiêm, xử lý đối tượng chưa kịp thời? Cơ chế do chính con người xây dựng thì không thể nói là do cơ chế chưa nghiêm mà cơ bản là do chính người được giao nhiệm vụ chưa làm hết trách nhiệm. Rồi trong quản lý bảo vệ rừng, rất nhiều biện pháp, giải pháp đưa ra, nhưng diện tích rừng vẫn bị phá, tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép vẫn diễn ra. Có lẽ không phải là do khó quản lý, không quản lý được mà chính là quản lý chưa nghiêm. Cho nên rừng tuy có chủ nhưng khi bị phá, bị lấn chiếm vẫn chưa thấy ai chịu trách nhiệm. Ngay như báo cáo của ngành cũng chỉ rõ những tồn tại, yếu kém như công tác xử lý vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng ở một số địa phương còn chậm, thiếu kiên quyết, chưa kịp thời, do vậy không đủ sức răn đe, giáo dục; số đối tượng chuyên nghiệp phá rừng và đầu nậu buôn bán gỗ trái phép chưa được phát hiện, triệt phá dứt điểm; chính quyền các cấp thiếu sự kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên, nên hoạt động bảo vệ rừng tận gốc, tại cấp xã còn nhiều hạn chế… Tìm ra được nguyên nhân dẫn đến tồn tại, yếu kém, nhưng bấy lâu nay ngành lâm nghiệp vẫn loay hoay chưa giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề (?!) Và chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” chẳng phải là lỗ hổng của công tác quản lý đó sao. Cho nên bất cứ cá nhân, tổ chức nào muốn quản lý tốt công việc, lĩnh vực được giao thì cần phải am hiểu công việc, lĩnh vực đó thật sâu sắc, và không chỉ là một cán bộ quản lý giỏi, có tâm mà còn phải biết phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong từng vai trò, vị trí của cá nhân, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc