Multimedia Đọc Báo in

Luật pháp và luân lý

07:36, 26/07/2015

Trong tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” (Nguyễn Quang Lập, Phương Nam - Nxb Hội Nhà Văn) có chi tiết, anh họa sĩ Tư khi bị nhắc nhở “không sống theo hiến pháp và pháp luật”, đã đáp lại là anh ta sống theo ca dao và tục ngữ. Lời đáp của anh họa sĩ Tư ấy nghe ra có vẻ cực đoan nhưng ngẫm ra không phải không có lý.

Ca dao và tục ngữ thuộc về phong tục, cao hơn nữa là luân lý. Nếu như pháp luật chủ yếu liên quan tới khái niệm nghĩa vụ, hướng tới mục đích bảo vệ và duy trì trật tự xã hội thì luân lý chủ yếu liên quan tới khái niệm bổn phận, hướng tới mục tiêu làm điều thiện, hoàn thiện bản thân.  

Trên thực tế, nhiều hành vi có thể phi đạo đức xét về mặt luân lý nhưng không bị pháp luật trừng phạt thì người ta vẫn có thể làm những gì mà pháp luật không cấm. Lẽ tất nhiên, chúng ta cũng có thể thấy, nhiều điều khoản luật pháp phù hợp với ca dao và tục ngữ, chẳng hạn “công cha như núi Thái Sơn….” ứng với những quy định của luật hôn nhân và gia đình về việc con cái có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ... Tuy rằng ca dao và tục ngữ cũng tạo ra dư luận xã hội lên án những hành vi trái luân thường đạo lý nhằm hướng tới một trật tự xã hội nhưng ca dao tục ngữ không mang tính cưỡng bách như pháp luật. Như vậy, luân lý thì liên quan tới lương tâm cá nhân nhiều hơn. Anh họa sĩ Tư trong chi tiết đã nói trên sống theo ca dao và tục ngữ, tức là trong hành động, anh ta luôn phải đối diện với lương tâm của chính mình, chú ý tới động cơ bên trong hành động của anh ta.

Chi tiết này như một lời nhắc nhở rằng, luật pháp chỉ như một trong nhiều dạng chuẩn mực xã hội đang tồn tại mà thôi. Ngoài luật pháp ra, còn có nhiều thứ “luật” khác nữa. Đã có những giai đoạn xã hội chẳng cần luật pháp mà xã hội vẫn được điều tiết nhịp nhàng. Năm 1884, trong cuốn "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước", Ăngghen đã có những nghiên cứu về quản lý xã hội của các xã hội thị tộc châu Âu và châu Mỹ và đưa ra những nhận xét, so sánh cơ chế quản lý xã hội của các xã hội thị tộc với xã hội hiện đại. Ông viết: "Không có quân đội, hiến binh  và cảnh sát, không có quý tộc, vua chúa, tổng đốc, trưởng quan và quan tòa, không có nhà tù, không có các vụ xử án - thế mà mọi việc đều trôi chảy (…). Mọi sự xích mích và tranh chấp đều được giải quyết bởi tập thể những người có liên quan (....). Mọi việc đều do những người hữu quan tự giải quyết lấy và trong đa số trường hợp,  một tập quán lâu đời đã giải quyết trước tất cả mọi việc rồi" (Sđd, T.VI, tr 151-152).

Chi tiết trên cũng có thể gợi đến câu chuyện rằng, có lẽ người ta đã không còn “mặn mà” với những khẩu hiệu mang tính hô hào. Dường như người ta cũng không mong muốn sự áp đặt chuẩn mực từ bên ngoài mà muốn hướng tới sự tự thấm và tự nguyện tuân thủ chuẩn mực kiểu liên tục và nhẹ nhàng như ca dao và tục ngữ.

Một khi mà trong cộng đồng nào đó, thành viên thường xuyên thực hiện những hành vi vi phạm chuẩn mực mà không phải chịu trách nhiệm về hậu quả thì thứ chuẩn mực ấy chỉ tồn tại ở dạng lý tưởng thôi chứ không phải là dạng chuẩn mực thực tế để mà được áp dụng. Thật tốt nếu các cá nhân thực hiện các hành động trên cơ sở tiếp nhận, nội tâm hóa và tự nguyện tuân thủ luật pháp nói riêng cũng như các chuẩn mực xã hội nói chung. Điều này quan trọng hơn nhiều so với việc cá nhân chỉ tuân thủ chuẩn mực chỉ vì sợ bị trừng phạt. Dù rằng, khi các cá nhân biết sợ sự trừng phạt để mà tránh vi phạm cũng là tốt lắm rồi.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc