Rất cần sự cảm thông và chia sẻ!
CSGT huyện Krông Pắc làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 26 (đoạn qua thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc). Ảnh minh họa |
Nghề CSGT hiện nay được ví như “làm dâu trăm họ”, rất khó chiều vừa ý tất cả mọi người. Có chiến sĩ CSGT từng tâm sự: “Trong khi làm nhiệm vụ, hầu như ngày nào chúng tôi cũng nghe những lời chửi bới, mắng mỏ, thậm chí bị đe dọa hành hung, trả thù. Nhiều khi chúng tôi phát hiện đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông liền ra hiệu lệnh dừng xe, tuy nhiên thay vì giảm tốc độ, chấp hành yêu cầu của CSGT thì đối tượng lại rồ ga bỏ chạy, không những vậy cũng có trường hợp còn “hung hăng” khiêu khích CSGT. Trước tình huống trên, lực lượng chức năng “tiến thoái lưỡng nan”, không biết phải xử lý ra sao cho “hợp lòng dân”. Không đuổi theo bắt vì sợ nguy hiểm cho người đi đường thì bị người dân cho là không làm tròn trách nhiệm, chỉ biết bắt người hiền lành! Còn đuổi theo chẳng may đối tượng ngã ra đường, gây tai nạn cho người khác hoặc cho bản thân mình thì cũng rất phiền phức, thậm chí bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...”. Nếu để tai nạn giao thông xảy ra nhiều, mọi người cũng đều đỗ lỗi cho... CSGT. Trong khi đó, giữ gìn an toàn giao thông là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội chứ không riêng gì CSGT. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT còn tham gia vào các vụ việc phòng, chống các loại tội phạm. Vì thế mà trong quá trình công tác, đã có rất nhiều cán bộ chiến sĩ từng bị thương, thậm chí có người còn hy sinh khi truy bắt đối tượng vi phạm. Không chỉ thường xuyên đối mặt với sự hiểm nguy, CSGT còn dễ mắc các bệnh về hô hấp, thấp khớp hơn so với nhiều ngành nghề khác do đặc thù công việc là thường xuyên phải làm việc ở nơi khói bụi, ô nhiễm môi trường…
Vậy nên, các chiến sĩ CSGT rất cần sự cảm thông của mọi người.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc