Hứa và thực hiện lời hứa!
Điểm đáng chú ý nhất trong các phiên chất vấn tại kỳ họp lần này là đại biểu chất vấn lại những gì đã chất vấn và xem xét lại việc thực hiện lời hứa. Với cách làm này, các thành viên Chính phủ, tất cả các bộ trưởng đều phải tham dự phiên chất vấn và sẵn sàng trong tâm thế trả lời bất cứ điều gì đại biểu hỏi. Chủ đề chất vấn và trả lời chất vấn không còn ranh giới. Nhưng nhờ cách làm này, cử tri cả nước mới thấy rõ được một điều là rất nhiều bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã không hoàn thành lời hứa của mình. Những vấn đề như cân đối ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao; quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm; sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản một số nơi còn lãng phí, hiệu quả chưa cao; tình trạng quá tải tại các bệnh viện... Đây không phải là những yếu kém mới xuất hiện mà đã được nêu qua nhiều kỳ họp Quốc hội. Gần như ở tất cả mọi lĩnh vực, khi bị chất vấn, bộ trưởng lúc nào cũng nói là rất quyết liệt, rất quyết liệt nhưng mọi việc thì vẫn như cũ. Kỳ họp trước đưa vấn đề ra chất vấn, các bộ trưởng “hứa” sẽ giải quyết sớm, nhưng đến kỳ họp này vẫn chưa có kết quả khiến đại biểu lại phải tiếp tục chất vấn và các bộ trưởng lại... “hứa” sẽ giải quyết. Nghe các bộ trưởng “hứa” mãi, cử tôi chưa yên lòng.
Vấn đề cử tri quan tâm là những hạn chế còn chưa khắc phục được của ngành này, ngành khác thì trách nhiệm này thuộc về ai? Hàng loạt vấn đề đang đặt ra mà chưa thấy quan chức hay người có trách nhiệm nào đứng ra chịu trách nhiệm. Thế nên, mong mỏi của cử tri là các bộ trưởng, thành viên Chính phủ cần đặt vấn đề “thực hiện lời hứa” lên trên “lời hứa” và nên lấy việc “thực hiện lời hứa” làm mục tiêu của mình.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc