"Hãy lắng nghe chúng em bằng cả trái tim"
Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em cách đây 25 năm và luôn ưu tiên dành nhiều nguồn lực nhằm bảo đảm bốn nhóm quyền cơ bản của trẻ em (quyền được bảo vệ, quyền sống còn, quyền phát triển và quyền tham gia), trong đó quyền tham gia đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên trên thực tế, do nhận thức của gia đình, xã hội, do văn hóa truyền thống, rào cản ngôn ngữ… đã hạn chế quyền được tham gia của trẻ em. Trong mỗi gia đình, không khó để nhận thấy, nhiều bậc cha mẹ bận làm ăn kiếm sống, ít dành thời gian chơi với con chứ chưa nói tới việc lắng nghe con nói. Rất nhiều bậc phụ huynh ngày nay phó mặc hoàn toàn con cái cho nhà trường, ông bà hoặc người giúp việc; trang bị cho con điện thoại hay máy vi tính để chơi thay vì trò chuyện, tìm hiểu, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của con. Một số bậc cha mẹ vì nghĩ rằng con còn nhỏ nên không quan tâm, coi trọng ý kiến của con. Thậm chí, nhiều người còn cấm đoán, can thiệp vào yêu cầu kết bạn của trẻ, áp đặt việc học, lựa chọn hình thức giải trí và cả cuộc sống riêng tư của con. Về lâu dài, việc không dành thời gian chơi, lắng nghe con nói khiến mối quan hệ gắn kết tình cảm giữa con và cha mẹ trở nên lỏng lẻo. Hơn nữa, trẻ em, nhất là tuổi mới lớn thường vui, buồn thất thường, chưa phát triển hoàn thiện nhân cách, thích khám phá và luôn mong muốn khẳng định mình nên rất dễ bị dao động, tổn thương. Nếu phụ huynh không lắng nghe con thì làm sao hiểu được con, không biết con nghĩ gì, muốn gì để đưa ra lời khuyên và định hướng đúng đắn cho con.
Quyền tham gia của trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào người lớn, thể hiện rõ nhất ở trường học, gia đình, nhất là các bậc cha mẹ hãy dành thời gian nhiều hơn nữa để lắng nghe trẻ em, khuyến khích trẻ thể hiện ý kiến và bày tỏ sự tin tưởng đối với con em mình. Việc lắng nghe ý kiến của trẻ thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc và tôn trọng các em.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc