Multimedia Đọc Báo in

Sao lại ngại?

16:07, 19/12/2015
Anh bạn tôi là cán bộ lãnh đạo một cơ quan, gần 50 tuổi mới đi học thạc sĩ. Tuổi ấy thường ngại học nhưng anh là người có chí, coi đây là cơ hội để nâng cao kiến thức nên cố sắp xếp công việc để tập trung học.
 
Khi anh làm luận văn tốt nghiệp, có người khuyên nên nhờ cấp dưới hoặc ai có khả năng “chắp bút” cho mình nhưng anh từ chối rồi tự tìm tài liệu nghiên cứu và thâm nhập thực tế để hoàn thành luận văn. Với anh, ngoại ngữ là phần khó nhất trong cả khóa học. Đã đứng tuổi, lại không được học cơ bản lúc trẻ nên anh cố gắng mãi vẫn chưa có được chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu. Trong khi đó, không ít đồng môn kém ngoại ngữ hơn anh nhưng họ tìm cách “chạy” nên tốt nghiệp dễ dàng. Nghe khuyên nên làm như thế để “hoàn thành tốt đẹp” khóa học, anh từ chối thẳng: “ Nếu mất mười triệu mà nói được tiếng Anh, tôi sẵn sàng. Đằng này mất tiền mua chứng chỉ mà vẫn mù ngoại ngữ thì xấu hổ lắm!”. Thế là anh lao vào học tiếng Anh, học miệt mài chứ không lớt phớt cho cốt có chứng chỉ. Cuối cùng, anh cũng nhận được bằng thạc sĩ sau hai năm so với các bạn cùng khóa.

Đó là tấm bằng loại khá nhưng ai biết quá trình học của anh đều thừa nhận nó quý vì thực chất. Bạn tôi cũng rất vui, bởi như lời anh: “ Ít nhất mình cũng làm gương về sự học cho… các con”. Vui là thế nhưng anh có vẻ ngại khi ai đó nhắc tới học vị thạc sĩ của mình nơi công cộng. Nhiều lần anh đề nghị ban tổ chức buổi lễ hay diễn đàn đừng giới thiệu danh xưng thạc sĩ đi kèm tên anh. Nghe thắc mắc sao phải thế, anh chân thành: “Giờ bằng cấp thật - giả lẫn lộn nhiều nên “khoe” học vị ra, có khi nhận tác dụng ngược lại.”

Một người quen khác của tôi là tiến sĩ, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa tôn giáo đã có hàng chục đầu sách được in. Ông học thạc sĩ rồi nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ ở một nước phát triển; có kiến thức văn hóa xã hội sâu rộng. Ngoài nghiên cứu giảng dạy, ông còn viết báo; dưới mỗi bài viết, ông chỉ ghi tên tác giả, thay vì ghi kèm học vị như nhiều người vẫn làm. Được hỏi sao không ghi “tiến sĩ khoa học” dưới bài viết cho thêm phần thuyết phục, nhất là những bài mang tính tranh luận hoặc bàn sâu về lĩnh vực nghiên cứu, ông từ tốn: “Tôi muốn thuyết phục người đọc ở nội dung bài viết chứ không phải học vị của mình. Vả lại, tiến sĩ thời nay cũng có nhiều loại nên không phải cứ xưng danh là người ta tin đâu”.

Suy nghĩ trên của hai người bạn tôi có thể là cá biệt, thậm chí còn bị chê “thật vàng sao sợ lửa?”. Nhưng qua đây cho thấy, nạn bằng giả không những gây hại cho xã hội mà còn khiến những người thực học bị tổn thương, cảm thấy ái ngại khi phải chịu chung sự nghi ngờ không phải là vô cớ của cộng đồng.

Nguyễn Trọng Hoạt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.