Multimedia Đọc Báo in

Làm từ thiện cần xuất phát từ cái tâm

07:23, 06/03/2016
Hoạt động nhân đạo từ thiện từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc ta, góp phần chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh nhờ lòng hảo tâm của các mạnh thường quân, thúc đẩy an sinh xã hội.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có một số doanh nghiệp (DN) làm từ thiện không xuất phát từ cái tâm mà chỉ để “đánh bóng” tên tuổi. Còn nhớ cách đây không lâu, chúng tôi có lần được mời đi đưa tin về hoạt động trao quà cứu trợ người dân bị lũ lụt tại địa bàn xã Ea Ô (huyện Ea Kar), do một DN tại TP. Hồ Chí Minh có văn phòng đại diện tại Đắk Lắk tổ chức. Trước đó, DN này đã hẹn với chính quyền địa phương 8 giờ sáng sẽ trao quà tại UBND xã. Thế nhưng, bà con vùng lũ đã lặn lội mưa gió, đường ngập ra UBND xã chờ đến 10 giờ phía DN mới đến. Người dân lúc đó ai nấy đều mệt mỏi, lạnh run cầm cập, quần áo ướt sũng, lấm lem bùn đất vì mưa lũ. Khi bắt đầu vào lễ trao quà, đại diện DN này đứng lên đọc báo cáo thành tích của công ty dài đến 3 trang giấy A4. Khi bà con nhận quà, người của công ty yêu cầu phải tươi cười, đồng thời giơ cao phần quà trước ống kính máy ảnh để quảng bá về hoạt động từ thiện của DN. Trong chừng mực nào đó thì đây là một cách làm từ thiện để “đánh bóng” tên tuổi, khiến cho hình ảnh nhân đạo từ thiện trở nên phản cảm.

Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua, trên địa bàn xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) cũng có hàng chục DN trong và ngoài tỉnh đến làm từ thiện, trao quà tặng các hộ nghèo, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam. Trong số đó, có đoàn từ thiện của một DN tại TP. Hồ Chí Minh đến trao 7 chiếc chăn len tặng các hộ nghèo trong xã với lời giới thiệu là chăn nhập khẩu do Nhật Bản sản xuất, có giá trị trên 600 nghìn đồng/chiếc. Tuy nhiên, khi bà con về nhà thì phát hiện phần quà là chiếc chăn làm bằng chất liệu bông tái sinh mỏng kèm theo dòng chữ “made in China”. Hay một trường hợp khác tại xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn), cách đây 1 năm, một số hộ nghèo trong xã đã nhận được những phần quà gồm nước mắm, mì chính, dầu ăn, gạo, bánh kẹo… từ một DN trong tỉnh đến làm từ thiện. Khi bà con đưa về sử dụng thì phát hiện những sản phẩm phần lớn đã hết hạn sử dụng, đặc biệt là gạo đã bị mốc không thể ăn được.

Ngoài những trường hợp kể trên, có không ít DN tổ chức hoạt động từ thiện để nhằm mục đích giải quyết hàng tồn kho, những mẫu quần áo, giày dép “lỗi” không bán được, thậm chí là cả những hàng hóa hết hạn sử dụng để vừa được tiếng là làm từ thiện lại không phải mất phí tiêu hủy sản phẩm.

Thiết nghĩ rằng, những món quà từ lòng hảo tâm dù ít hay nhiều thì đối với người được nhận cũng đều rất quý. Vì vậy, khi các tổ chức, cá nhân làm từ thiện cũng phải thể hiện bằng cả tấm lòng nhân ái, thể hiện sự san sẻ yêu thương hơn là cách làm từ thiện kiểu “bố thí”, phản cảm, dễ gây tổn thương đến những đối tượng cần được giúp đỡ.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc