Multimedia Đọc Báo in

Món ăn nhớ mãi của thời tuổi dại

17:29, 27/03/2016
Ai cũng có một thời tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch và dù đi đâu về đâu giữa cuộc sống bộn bề này, có lúc ký ức chúng ta chợt trỗi dậy bao điều nhớ nhung, luyến tiếc. Giữa muôn ngàn lô xô của ký ức về tuổi thơ xa thẳm, tôi vẫn nhớ mãi một món ăn ngày tuổi dại gắn liền với miền biển quê nghèo...

Quê tôi làng biển, bốn bề vây quanh một màu nước xanh biêng biếc. Bãi cát trắng phau cho trẻ con thỏa thích vui chơi mỗi chiều. Sau mỗi trận bóng đá, ánh mặt trời khuất dần về phía núi, bọn trẻ chúng tôi lại rủ rê nhau xuống biển bắt còng về nấu cháo. Giữa cuộc sống khốn khó hơn ba mươi năm trước, có được ngày hai bữa cơm no đã là một niềm mơ ước, nói gì đến thức quà sáng tối gì như bây giờ. Người lớn sáng tạo ra thêm biết bao nhiêu nghề để nuôi sống gia đình thì trẻ con lại nghĩ ra nhiều món ăn từ các sản vật sẵn có từ đồng quê đồng ruộng hay bãi bồi sóng nước. Ở các vùng nông thôn trồng lúa trồng khoai, một con ốc, con tôm trên bờ ruộng cũng có thể biến thành món nướng khoái khẩu khi đồng làng vang dậy tiếng ca vui. Riêng vùng biển quê tôi, cái món còng gió trở nên rất quen thuộc của nhiều đứa trẻ.

Những đêm tối trời, lũ trẻ chúng tôi đốt đuốc sáng bằng rơm bện chặt hoặc bằng lốp xe đạp để bắt còng gió. Còng gió chạy rất nhanh trên cát, những đứa trẻ nào chạy chậm là không thể theo kịp. Đèn đuốc sáng trưng, bọn trẻ chúng tôi tốp năm, tốp bảy cứ vừa chạy vừa hò hét vang khắp bãi bờ, thi nhau lùa bắt còng gió. Quần áo ướt nhèm vì phải lăn xả bắt còng, tiếng nói tiếng cười chen lẫn tiếng sóng biển xô bờ như muôn ngàn âm thanh trong trẻo vui nhộn. Đuổi bắt mãi, khi nào cảm thấy có thể nấu được nồi cháo ngon chúng tôi mới quay về trong sự hân hoan náo nức. Đứa chẻ củi, đứa cho nước vào nồi, đứa tách mu còng gió, đứa làm mắm ớt, đứa giã muối tiêu vắt chanh... cứ chộn rộn như nhà có đám cưới. Còng gió sau khi làm sạch để cho ráo nước, phi thơm hành vào chảo dầu phụng um cho thật thơm. Đợi nồi cháo chín nhuyễn mới cho còng vào. Tuổi thơ nghèo khổ, chủ yếu là chén cơm dĩa rau ngày mưa tháng gió, có được nồi cháo còng cải thiện đã trở thành món ăn khoái khẩu, hấp dẫn với chúng tôi vô cùng. Sau này lớn hơn một chút, đi học trên trường huyện, mỗi lần rủ các bạn ở xa về vùng biển chúng tôi chơi, món làm cho mọi người trầm trồ bắt mắt có lẽ cũng là món cháo còng gió dân dã đáng yêu này. Bụng đói, ăn bát cháo còng, mồ hôi tứa ra, ai nấy nhìn nhau cười tươi rạng rỡ, nhắc lại chuyện lúc đi bắt còng rộn rã, lòng ai không sung sướng vui tươi. Miệng ăn cháo còng, có ít mắm ớt, ít muối tiêu chanh, cay cho át mùi tanh của thịt còng, nhìn ai cũng chảy nước mắt mà miệng cứ cười giòn tan quả thật là niềm vui không sao quên được.

Bây giờ mỗi đứa mỗi nơi, phần lớn tha phương lập nghiệp, mỗi lần nhớ về làng chài quê nghèo thuở ấy, nhớ món cháo còng gió thơm nồng cánh mũi, lại thấy mắt mình cay cay…

 Lê Thành Văn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.