Multimedia Đọc Báo in

Sức mạnh của sự lạc quan

17:24, 27/03/2016
Thời gian gần đây, câu chuyện của nữ sinh Lê Thị Hà Vi (huyện Cư Kuin) bị cưa 1 chân do sự tắc trách của bác sĩ đã lấy đi nhiều nước mắt của mọi người. Họ khóc không chỉ vì xót thương mà còn khóc vì yêu mến, khâm phục sự lạc quan của cô bé 15 tuổi.
 
Vượt qua cú sốc lớn để chiến đấu với những cơn đau giày vò, Hà Vi vẫn khẳng định em là cô gái mạnh mẽ để cha mẹ khỏi xót xa. Vi chia sẻ trên facebook cá nhân: “Ba mẹ vui thì con mới vui được nên mẹ đừng khóc hay suy nghĩ nhiều nữa, mẹ phải lạc quan lên như con này. Con chỉ cần mẹ vui là con cũng vui rồi. Con thương ba thương mẹ nhiều lắm, chỉ vì con mà ba mẹ đã phải thức mấy đêm liền không ngủ. Cũng vì con mà ba mẹ gầy đi rất nhiều. Nhưng đây là số phận của con rồi, phải chấp nhận thôi ba mẹ ạ. Con yêu ba mẹ nhiều”. Lời tâm sự của Vi nhận được hàng trăm lời bình luận, sẻ chia từ mọi người. Họ động viên, bày tỏ cảm thông, tình yêu thương và cả sự cảm phục với những gì em phải chịu đựng, vượt qua.

Hằng ngày, trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp rất nhiều người khi gặp phải một chút khó khăn, bế tắc là họ đã không ngừng than trách số phận, buông xuôi và thậm chí là có những hành động tiêu cực. Nhưng nhìn những gì mà cô bé 15 tuổi này phải trải qua và cách cô đối mặt với hiện thực, có lẽ họ sẽ tự nhận thấy bản thân thật đáng hổ thẹn. Rõ ràng, dù không thể thay đổi được những bất trắc của cuộc sống nhưng chúng ta vẫn có thể thay đổi được thái độ sống. Thay vì phải lo lắng quá nhiều về những điều không may mắn xảy ra, hãy dành ra vài phút mỗi ngày để nghĩ đến hàng loạt những điều thú vị sẽ đến với bạn. Hãy học cách đối mặt với thực tại và có những suy nghĩ tích cực, bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy rằng tương lai không có gì khiến bạn phải lo lắng.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.