Cẩn trọng với "phát ngôn" trên mạng xã hội
Với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, trong giai đoạn hiện nay, người ta có thể tiếp cận thông tin bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có một “kênh” thông tin khá phổ biến là mạng xã hội.
Không thể phủ nhận rằng, mạng xã hội thực sự đang đóng vai trò rất lớn trong việc truyền bá, lan tỏa thông tin, và nhiều người cho rằng, mạng xã hội hiện nay như một hình thức “báo chí công dân”, khi mà bất kể ai cũng có thể cung cấp thông tin. Nguyên tắc của mạng xã hội, đó là sự kết nối qua mạng lưới các mối quan hệ cá nhân, qua nhiều lớp thông tin khác nhau. Từ đó, xuất hiện hiệu ứng tin theo những gì mà người khác nói từ lớp thông tin gần nhất. Thêm nữa, nếu một ý kiến chủ quan được phát ngôn từ một nguồn tin có mạng lưới càng lớn thì độ ảnh hưởng càng lớn. Với đặc điểm như trên, mỗi phát ngôn, nhận định sẽ không còn chỉ mang tính cá nhân mà có sức lan tỏa rất lớn.
Điều đáng nói là bên cạnh việc cố tình lèo lái thông tin phục vụ mục đích cá nhân, thậm chí là lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gây bất ổn xã hội, phá hoại quá trình phát triển kinh tế của đất nước..., nhiều người sử dụng đã không nhận thức đúng đắn về tầm ảnh hưởng của mạng xã hội khi đưa ra những “phát ngôn” của mình. Như trường hợp mới đây, ông Mai Phan Lợi, Phó Tổng Thư ký tòa soạn, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh tại Hà Nội đã bị Bộ Thông tin - Truyền thông quyết định thu hồi thẻ nhà báo của do “xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam, gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, đồng đội, người thân, đồng đội của những cán bộ chiến sĩ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ, tổn hại đến uy tín đội ngũ những người làm báo”. Những phát ngôn của ông Mai Phan Lợi nhằm mục đích gì thì “hồi sau sẽ rõ” khi cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng đó là bài học quý giá cho nhiều người khi sử dụng mạng xã hội.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc