Multimedia Đọc Báo in

Báo động... từ những con số!

06:48, 01/10/2016

Mới đây, theo kết quả điều tra của Bộ Y tế, cả nước có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số cao nhất thế giới (gấp gần 2 lần mức trung bình), trong khi, tỷ lệ này ở châu Phi là 44%, châu Âu trên 73%, còn tính chung toàn thế giới thì xấp xỉ 48%. Tính đến đầu năm 2016, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân.

Với lượng rượu bia sử dụng gia tăng nhanh chóng, Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á (chỉ sau Thái Lan), thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Kết quả này không đơn thuần chỉ là những con số điều tra của các tổ chức xã hội, đây còn là con số đáng báo động về hậu quả mà rượu bia gây ra đối với người sử dụng. Cũng theo thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, trong gần 18.500 bệnh nhân bị TNGT nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% vẫn tham gia giao thông 2 giờ sau khi uống rượu bia. Trước đó, vào tháng 7-2016, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đưa ra con số báo động khi cả nước có tới 70% số vụ tai nạn có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, mỗi năm có khoảng 4.000 người tử vong liên quan đến rượu bia và thiệt hại về kinh tế cũng không hề nhỏ với 250 tỷ đồng/ngày.

Đó là số liệu của cả nước, còn đối với tỉnh ta thì từ đầu năm 2016 đến nay, qua thống kê của cơ quan chức năng đã có đến 6.931 trường hợp bị lập biên bản xử phạt hành chính do sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Từ khi có Nghị định 46/2016/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính về lỗi vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao (18 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô), nhưng số người vi phạm bị xử phạt không phải là ít. Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi Nghị định này có hiệu lực (từ 1-8 đến 1-9-2016), toàn tỉnh có 600 trường hợp bị lực lượng CSGT lập biên bản, xử phạt liên quan đến rượu bia khi tham gia giao thông.

Uống rượu bia là một nét văn hóa tao nhã nhưng việc quá lạm dụng hoặc nghiện ngập sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, không chỉ bản thân người sử dụng mà cả người thân, những người xung quanh ít nhiều bị ảnh hưởng. Do đó, để không phải nhận những hệ lụy đau lòng, mỗi người phải tự ý thức và sử dụng rượu bia có chừng mực, không nên vì thói quen hoặc xem nó như một thứ để giải khuây, giết thời gian mà trở thành con “sâu” bia rượu khi nào không hay.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc