Đường dây nóng vẫn còn "xa lạ" với người dân
Thực hiện Công văn số 1415/BTNMT-TCQLĐĐ, ngày 21-4-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, tính đến nay, hầu hết các Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trong cả nước đã thành lập đường dây nóng.
Theo quy định thì đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và tình trạng gây nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ mới có 8 tỉnh, thành phố bước đầu phát huy hiệu quả và được nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Đánh giá chung, vừa qua việc thành lập và xử lý thông tin đã tiếp nhận qua đường dây nóng ở nhiều địa phương còn chậm, mang tính hình thức, trong đó có Đắk Lắk. Mặc dù Sở TN&MT đã thành lập số điện thoại đường dây nóng (0500.3854643 tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị trong giờ hành chính) từ ngày 10-5-2016 nhưng đến nay đường dây nóng này tiếp nhận rất ít thông tin, chủ yếu là những câu hỏi liên quan đến thủ tục hành chính về việc mua bán, cho tặng, sang nhượng đất đai; chỉ có 1 thông tin phản ánh về việc chậm trễ trong thủ tục tách thửa cho người dân của Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Krông Búk (đã được xử lý). Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Sở này, từ đầu tháng 8-2015 đến tháng 8-2016, tại bộ phận một cửa của Sở đã tiếp 114 lượt/114 công dân và nhận 273 đơn thư khiếu nại, tố cáo ở lĩnh vực đất đai (có 193 đơn đủ điều kiện xử lý và 80 đơn không đủ điều kiện xử lý).
Được biết, số điện thoại đường dây nóng chỉ mới được thông báo đến UBND và chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố. Thiết nghĩ, để đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về lĩnh vực đất đai thực sự được đông đảo người dân biết đến, các đơn vị, ban, ngành hữu quan cần tuyên truyền, phổ biến, công khai rộng rãi đến từng khu phố, xã, phường; đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa để người dân hiểu rõ và kịp thời phản ánh những vấn đề, vụ việc bức xúc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Một khi đường dây nóng này phát huy hiệu quả, những vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai kéo dài, vượt cấp… trong nhân dân cũng sẽ giảm bớt, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc