Multimedia Đọc Báo in

Thực hành nghi thức văn hóa trong các lễ hội – đôi điều suy nghĩ

11:02, 10/02/2017

Năm 2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2015 về tổ chức các lễ hội, trong đó có quy định bãi bỏ các lễ hội mang hình ảnh man rợ.

Nói chung, các lễ hội như ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) có tục chém lợn, lễ hội Cầu trâu (Hương Nha, Phú Thọ) có tục dùng búa đập vào đầu trâu đến chết, lễ hội đâm trâu (Tây Nguyên)… đều nằm trong nhóm có yếu tố bạo lực. Điểm chung khiến các nghi thức này bị dư luận phản ứng là từ những hình ảnh trực tiếp đâm chết con vật trước sự chứng kiến của nhiều người.

Tuy nhiên, cho tới nay, ngược lại với sự phản ứng của số đông, một số ý kiến trong giới nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng nên cẩn trọng trong việc phê phán. Từ góc nhìn nghiên cứu, các lễ hội là thành tố của văn hóa, được hình thành và được tổ chức từ trong cộng đồng bởi vậy các lễ hội cần được hiểu, được lý giải dựa trên nền tảng giá trị xã hội của cộng đồng. Quả đúng vậy, lấy ví dụ như lễ đâm trâu ở Tây Nguyên, những ai quan tâm tới các ý nghĩa biểu tượng trong nghi thức này đều nhận thấy rằng đó là nghi thức rất nhân văn và thể hiện tính cố kết cộng đồng rất cao. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, con trâu không phải là vật nuôi để kéo cày mà gắn liền với tín ngưỡng đa thần của cư dân bản địa. Quan niệm “sinh vật dưỡng nhân” thể hiện rất rõ trong lễ hội đâm trâu thông qua việc người ta thường có bài cúng khóc trâu nói rõ lý do cũng như ý nghĩa việc mình phải làm. Bài khóc trâu như lời cảm ơn con vật vì sự tồn tại an lành của buôn làng mà chịu làm vật hiến tế, dâng lên thần linh ước vọng của cộng đồng và thường hàm ý rằng, việc giết con trâu vô tội thì mình thành ra người có tội nhưng đó là việc chính đáng, cần cho buôn làng.

Những tranh luận và những phản ứng gay gắt về các nghi thức “bạo lực” này có lẽ xuất hiện từ khi các địa phương có chủ trương khôi phục lại việc tổ chức các lễ hội. Và khi một nghi thức vốn cần được thực hiện trong không gian linh thiêng lại được biểu diễn như một hoạt động lễ hội phục vụ khách du lịch thì việc xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều là điều không tránh khỏi. Bởi lẽ, người dân là người duy trì mã văn hóa nhưng người xem lại là người giải mã văn hóa đó. Có nhiều khác biệt về hệ giá trị để đi tới nhiều cách nhìn khác nhau về một nghi thức. Với tư cách người xem, những hình ảnh chém lợn, đâm trâu máu me trong không gian chiêng trống ầm ĩ, đám đông hò hét thì đáng sợ thật. Việc “xây dựng kịch bản” cho những nghi thức này để diễn ở chỗ đông người đã trở thành một trò chơi tàn nhẫn.

Vậy, đâu là điểm mấu chốt của việc thực hành các nghi thức văn hóa? Thiết nghĩ, điều quan trọng là không gian để thực hành nghi thức và chỗ đứng thực sự của “chủ nhân” các nghi thức đó trong việc tổ chức. Khi không gian để thực hành nghi thức không còn phù hợp trong điều kiện cộng đồng đang biến đổi mạnh dưới tác động của quá trình hiện đại hóa xã hội thì việc xem xét bỏ hoặc thay đổi một số nghi thức trong các lễ hội là điều nên làm. Nếu không, giá trị văn hóa thực sự của các lễ hội không những không được hiểu mà còn bị hiểu nhầm và bị đối xử theo cách hiểu sai lầm.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.