Mạng xã hội có làm tha hóa hành vi?
Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nói về việc mạng xã hội làm thay đổi hành vi người dùng.
Trong bài phỏng vấn này, ông Lâm dẫn chứng: “Ngày xưa, chúng ta làm gì có suy nghĩ vào mạng để like hay comment một status của ai đó. Bây giờ, mọi người có xu hướng vào mạng, bày tỏ thái độ với tất cả mọi vấn đề, thậm chí vấn đề không liên quan đến mình. Một cách tự nhiên, công nghệ đã làm thay đổi hành vi, thậm chí văn hóa con người lúc nào không biết. Chúng ta từ một người dù không có mạng vẫn sống tốt trở thành một người trên mạng gọi là ngáo face”. Từ đó, ông Lâm cho rằng: “Ở một chừng mực nào đó, sự dễ dãi và tiện ích của công nghệ làm tha hóa con người, tha hóa hành vi”. Quan điểm này ngay sau đó đã làm dấy lên những tranh luận, trao đổi trên các diễn đàn.
Trong đời sống xã hội, “tha hóa” được sử dụng khá phổ biến để biểu thị cho những thay đổi, biến chất, những quan điểm sai lệch. Đúng là việc sử dụng mạng xã hội đã và đang làm thay đổi hoạt động sống của người dùng. Cụm từ “lợi bất cập hại” thường được đưa ra như lời cảnh báo trong sự lựa chọn và ứng xử của người sử dụng đối với mạng xã hội. Tuy nhiên, mạng xã hội có dẫn tới sự tha hóa hành vi của cá nhân hay không thì mỗi người tùy theo hoàn cảnh của mình mà đưa ra câu trả lời rất đa dạng. Ở đây chúng tôi cho rằng nên hướng “ăng-ten” ra nhiều phía, thu nhận thêm nhiều thông tin hẳn là sẽ có ích cho những người có trách nhiệm.
Thực tế thì mạng xã hội chỉ là phương tiện, là kênh truyền thông điệp mà thôi. Công chúng có thể được chia thành nhiều nhóm xã hội với những nhu cầu, lợi ích khác nhau. Quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin không đơn giản là quá trình nhận tin, truyền tin trực tiếp mà chịu sự tác động của giá trị và chuẩn mực của người tham gia mạng xã hội. Và hành vi, cách ứng xử của những người tham gia mạng xã hội phụ thuộc vào vai trò và vị thế của đối tượng tiếp nhận và chia sẻ thông tin.
Trong bài viết “Facebook và vốn xã hội” đăng trên Báo Đắk Lắk, chúng tôi đã có dịp chia sẻ kết quả nghiên cứu “Facebook và vốn xã hội – Khảo sát một số nhóm thanh niên tại thành phố Hồ Chí Minh” được công bố trên Tạp chí Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh, số 6 (190) 2014. Kết quả nghiên cứu này đã chỉ ra mối quan hệ giữa việc sử dụng facebook và một số chỉ báo của vốn xã hội như sự tin cậy xã hội, sự hài lòng với cuộc sống. Chính sự hài lòng là điều kiện cho sự tin cậy xã hội – một yếu tố không thể thiếu để phát triển xã hội. Facebook đã “bắc cầu” cho người sử dụng xác lập các quan hệ và duy trì các quan hệ đó một cách dễ dàng với chi phí rất rẻ. Facebook dễ tham gia và không nhất thiết tạo ra những quan hệ gần gũi nhưng nó cho phép củng cố các mối quan hệ mật thiết đã tồn tại. Qua facebook, những người thuộc loại hình vốn xã hội này tìm được những lời khuyên quan trọng, những giải pháp cho những tình huống khó khăn đang gặp phải. Việc thường xuyên tương tác trên facebook có thể mang lại nhiều thông tin, nhiều nguồn lực mới có ích cho cuộc sống hiện tại cho người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Những thông tin trên có thể là minh chứng cho thấy, khi người ta biết phê phán và chọn lọc những nội dung phù hợp với nhu cầu của mình thì các cá nhân sẽ biết tự chịu trách nhiệm với những lựa chọn thích hay không thích, bình luận như thế nào và cách thức khai thác cũng như sử dụng các thông tin trên facebook. Lẽ tất nhiên, sự lựa chọn đó phụ thuộc vào việc chủ thể nhận thức như thế nào về tính hợp lý và cần thiết của thông tin.
Mặt khác, cũng cần thừa nhận thực tế đáng buồn là, những lời thô lỗ, miệt thị, xúc phạm, tấn công nhân phẩm… trong bình luận, tranh luận đang hiển thị đầy rẫy trên mạng xã hội ở Việt Nam. Thói quen chia sẻ, bình luận, đăng tải… những thông tin không được kiểm chứng quả thật đang dẫn tới tình trạng “hỗn loạn” thông tin, thậm chí gây tâm lý hoang mang, hoài nghi không đáng có cho người khác. Vậy thì, để hạn chế những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, những giải pháp hướng về phía cá nhân như kêu gọi người dùng mạng xã hội hãy sử dụng một cách có ý thức, tranh luận có văn hóa, phản biện có kỹ năng, cảm xúc cần được quản trị… được cho là rất cần thiết. Con người thường có nhu cầu tìm tới những thông tin đáng tin cậy và phù hợp. Vì vậy, việc tạo dựng một môi trường thông tin minh bạch, nhiều chiều mới chính là giải pháp quan trọng để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ mạng xã hội.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc